Đại Kỷ Nguyên

Tên thuốc Đông y: Mỗi vị đều là tinh hoa trí tuệ của cổ nhân

Ích mẫu, Địa long, Sa sâm, Đỗ trọng… không chỉ đơn giản là tên gọi, mà sau đó là những lịch sử truyền thuyết, nguồn gốc xa xưa, xuất xứ và công dụng của từng vị, từng vị. Nắm được tên gọi của thuốc giống như nắm được tinh hoa và ý chỉ của người xưa

Sự khác biệt Đông Tây y nằm ngay trong cách đặt tên cho các vị thuốc. Nhiều tên đều là miêu tả hình thái vốn có của thuốc, gắn liền với vùng miền xuất xứ, khí hậu và các yếu tố về thổ nhưỡng…

Tên gọi thú vị của các loại thuốc Đông y

Tên gọi của các loại thuốc vừa sinh động hình tượng lại vừa chính xác thỏa đáng, chắt lọc tinh hoa dễ nhớ lại vừa hàm chứa ngụ ý sâu xa phong phú thể hiện sự ý nhị độc đáo của văn hóa Trung Hoa truyền thống.

Đỗ Trọng: Tưởng nhớ một lão nông có tên gọi Đỗ Trọng.

(Ảnh: thucvatduoc.com)

Tương truyền ở Tứ Xuyên có một lão nông tên gọi Đỗ Trọng, ông bị đau lưng kinh niên khi làm đồng trở về nhà thường hay có thói quen đứng dựa lưng vào một cái cây to trước cổng nhà để nghỉ ngơi. Lâu dần bệnh đau lưng của ông không chữa tự nhiên mà khỏi, sau khi quan sát mọi người phát hiện hóa ra trong quá trình hằng ngày dựa lưng vào cái cây đó ông đã mài mòn đi vỏ ngoài của thân cây và để lộ ra thân cây màu như chỉ bạc, chính phần vỏ cây này đã phát huy tác dụng giúp ông khỏi bệnh.

Sau này khi phát hiện tác dụng điều trị các bệnh phong thấp, tê ngứa, đau lưng dưới, đau đầu gối của loại dược liệu quan trọng này nên lấy tên ông để đặt tên cho thuốc và nó được lưu truyền cho tới ngày nay.

Lưu Kỳ Nô: Tên cúng cơm của Tướng Quân Lưu Dụ, tức Vua Tống Cao Tổ

Lưu kỳ Nô. (Ảnh: commons.wikimedia.org)

Trong một cuộc hành quân, Lưu Dụ là người đầu tiên đã phát hiện ra một loại thảo dược nhỏ vô danh có tác dụng làm thuốc tan ứ huyết, thông kinh, liền vết thương, xẹp chỗ sưng mưng mủ, làm hẹp miệng vết thương, vết bỏng, vết thương bị đánh đập, bị gươm dao đâm chém vô cùng hiệu quả nên lấy tên “Kỳ Nô” là tên cúng cơm của ông để đặt tên cho loại thuốc này.

Đông trùng hạ thảo: Cặp đôi trùng – thảo tuyệt vời

(Ảnh: Zing.vn)

Đây được xem là tên thuốc có ý nghĩa nhất trong những tên gọi các loại thuốc Đông y, khi thấy vào mùa hè nấm Ophiocordyceps sinensis mọc chồi từ đầu con sâu nhô lên khỏi mặt đất. Vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (côn trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn. Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bồi bổ hết sức quý giá, có tác dụng tích cực với các bệnh như thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, ho hen do phế hư hoặc cả phế, thận đều hư, và có tác dụng tốt đối với trẻ em chậm lớn.

Tinh hoa Đông y từ trong tên thuốc

Đông y xây dựng trên nền tảng ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tên gọi của nhiều thuốc cũng xoay vần theo đó mà ra.

Ví như Âm địa quyết (cây dương xỉ), dương khởi thạch, kim thạch hộc, mộc thông, thủy ngân, hỏa ma nhân, thổ phục linh…

Lại nữa, y học cổ truyền cho rằng: Vị chua thuộc mộc nhập vào gan, đắng thuộc hỏa nhập vào tâm, ngọt thuộc thổ nhập vào tì, cay thuộc kim nhập vào phế, mặn thuộc thủy nhập vào thận. Nên trong Đông y có Toan táo nhân, khổ tham, điềm thạch liên, lạt liễu, hàm thu thạch, và ngũ vị câu toàn của “ngũ vị tử”.

Không chỉ vậy, màu sắc cũng có liên quan tới tạng phủ trong cơ thể người: màu xanh thuộc mộc nhập vào gan, màu đỏ thuộc hỏa nhập vào tâm, màu vàng thuộc thổ nhập vào tì, màu trắng thuộc kim nhập vào phế, màu đen thuộc thủy nhập vào thận, đó là ý nghĩa của 5 loại màu sắc và mối liên quan tới tạng phủ của thân thể.

Ảnh: Vforum.vn

Các loại thuốc Đông y lấy sắc để đặt tên có rất nhiều ví dụ như: thanh mộc hương, chu sa, hoàng biên, bạch truật, tạo giác. Ngoài ra còn có tên các loại vật phẩm như đậu xanh, tử hà xa…

Không những vậy, tên của 12 con giáp cũng được đặt đối ứng với tên các loại thuốc, ví dụ: Thừ niêm tử, ngưu tất, hổ trượng, thỏ ty tử, long cốt, xà sàng tử, mã bột, dương hoắc, hầu táo, kê huyết đằng, cẩu tích, trư nha tạo.

Tên một số loại thuốc lại có liên quan tới phương hướng trời đất, mùa vụ, ví dụ như Thiên nhật hồng, nguyệt quý hoa, xuân sa nhân, hạ khô thảo, thu quy tử, đông tang diệp, đông bạch thược, tây hồng hoa, nam sa sâm, bắc sa sâm…

Rồi cũng có loại thuốc lại được đặt dựa vào tính chất dược lý của chúng, chỉ cần thông qua tên gọi có thể biết được thuốc đó có tác dụng gì.

Ví dụ “Ích mẫu thảo” là tên loại thuốc dùng trong phụ khoa; “địa long” thực tế là con giun đất; “nhân trung bạch” chính là cặn của nước tiểu của người để lâu trong chậu, nước bốc hơi đi còn lại cặn đọng thành bánh, dòn và khai cũng có tác dụng làm thuốc; “Phục long can” là đất lấy ở bếp do đun nhiều bị nung khô cứng mà có, màu đất phía ngoài đỏ, trong vàng hay tía.

Ích mẫu thảo. (Ảnh: tapchidongy.vn)

“Bách thảo sương” là muội đen cạo ở đáy nồi. Muội nồi do rơm rạ, các cây cỏ đốt cháy thành khói lâu ngày hợp thành.

Các thầy thuốc Đông y khi kê đơn bốc thuốc cũng thường coi trọng nơi sản xuất của thuốc để thuốc có công dụng tốt nhất.

Ví dụ “Ngô thù du” sản xuất ở Giang Tô là có tác dụng tốt nhất. “xuyên liên” tức “hoàng liên” được sản xuất ở Tứ Xuyên là có công hiệu tốt nhất; thực phẩm đại bổ “A giao” phải chọn loại được sản xuất ở huyện Đông A tỉnh Sơn Đông; “Đảng sâm” chọn loại được sản xuất ở khu Thượng Đảng Sơn Tây; còn “Đương quy” thì phải chọn loại được sản xuất ở huyện Định Tây Mân tỉnh Cam Túc.

Thông qua tên gọi nho nhã ý nghĩa của các loại thuốc đông y đủ thấy được trí tuệ sáng láng của cổ nhân xưa, người đời đến nay vẫn khâm phục bội phần.

Kiên Định

Exit mobile version