Đại Kỷ Nguyên

Tay chân miệng cùng loạt bệnh dễ bùng phát trong mùa đông-xuân

9 tháng vừa qua, các tỉnh thành trên cả nước xuất hiện nhiều ổ bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết. Bộ Y tế nhận định, 3 bệnh nguy hiểm lây lan nhanh này đang vào mùa cao điểm, nguy cơ bùng phát mạnh và kéo dài đến tháng 11.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho Báo Lao Động biết, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Bộ Y tế. Đáng chú ý là 3 loại bệnh hay gặp nhất trong mùa đông-xuân: Bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.

Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố.

Trong đó, có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi. Hiện tại, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới, theo Vietnamnet.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.

Năm nay, số ca mắc tay chân miệng do virus EV71 tăng đột biến ở các tỉnh thành phía Nam. EV71 là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Bệnh sởi xuất hiện rải rác

Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1.093 ca dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, với 1 ca tử vong tại Hưng Yên.

So với năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần với các ca mắc lẻ tẻ, không thành ổ dịch lớn, theo Người Lao Động.

Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi có 628 trường hợp mắc (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi có 1.106 trường hợp (37,8%). (Ảnh: Người Lao Động)

Số ca mắc sởi do chưa đến tuổi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng chiếm 86,4%.

Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm

Ngoài tay chân miệng và sởi, bệnh sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.

Bộ Y tế cho biết, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài đến hết tháng 11. Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin chưa được sử dụng tại Việt Nam.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

– Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà…

– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy hoặc ra ngoài trời; lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu…

– Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

– Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.

– Giữ vệ sinh môi trường, nhà cửa.

– Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm, cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

(Tổng hợp)

Exit mobile version