Đại Kỷ Nguyên

Tại sao để trị bệnh cho 1 người, Đông y dùng đến sức mạnh cả ‘1 triều đình’ trong thang thuốc

Khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, thầy thuốc Đông y thường hay đề cập đến khái niệm “quân – thần – tá – sứ”. Nghe có vẻ như điều động sức mạnh của cả triều đình để trị bệnh. Điều đó khiến không ít bệnh nhân cảm thấy khó hiểu, nghi hoặc và thắc mắc.

Thoạt nhìn một thang thuốc Đông Y, nhiều người phát hoảng vì thấy giống như một đống cành, lá, củ quả…, mỗi thứ một chút dường như lộn xộn không có quy luật và độ chính xác như Tây dược. Thực ra không phải thế, mà đúng ra là đều có quy luật tinh vi, vị thuốc này nâng đỡ mở đường cho vị thuốc kia phát huy hết mức công dụng…

“Quân – Thần – Tá – Sứ” thực ra chỉ là những tên gọi (thuật ngữ), phản ánh những chức năng chính, của các thành phần cấu tạo nên đơn thuốc (phương thuốc, bài thuốc) Đông y.

Các vị dược liệu trong phương thuốc Đông y không kết hợp với nhau một cách tùy tiện – theo kiểu “chất đống”. Mà phối hợp với nhau theo những quy tắc, với một trật tự rất nghiêm ngặt, trong đó có Vua, quần thần, quân lính, sứ giả như tổ chức của một vương quốc thời xưa.

Cách phối hợp các vị thuốc như vậy gọi là “phối ngũ”, tạo nên sức mạnh chỉnh thể lớn mạnh. Cộng hưởng các tác dụng có lợi, khắc phục tác dụng phụ và còn dọn đường đưa thuốc đến đích.

Vì sao cần sức mạnh của cả triều đình?

Cơ thể người vô cùng huyền ảo và tinh vi. Đông y có học thuyết “Thiên nhân hợp nhất” (trời và người là 1 chỉnh thể), nó coi cơ thể người như một tiểu vũ trụ. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ được tạo bởi ngũ hành là Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ thì cơ thể con người cũng có ngũ tạng tương ứng là Phổi-Gan-Thận-Tâm-Lách. Các bộ vận hành theo quy luật tương sinh, tương khắc tạo nên sự cân bằng của cơ thể.

Tuy nhiên các tạng này không hoàn toàn tương ứng với giải phẫu cơ thể, ví như Tâm chủ thần khí, chủ các hoạt động tinh thần và là nơi ở của thần (tâm tàng thần); Can (gan) tàng huyết: khi hoạt động máu được đưa ra ngoài, khi ngủ máu chứa tại can.

Cũng chính vì coi cơ thể như một thế giới rộng lớn (vương quốc người) chứ không chỉ là một cá thể đơn nhất nên cũng cần đến sức mạnh của cả một “vương quốc thuốc”. Người thầy thuốc dụng thuốc cũng như dụng binh, điều quân khiển tướng để tống khứ ”bệnh địch” cho bệnh nhân.

Vậy “quân”, “thần”, “tá”, “sứ” thực chất là gì?

Một phương thuốc tiêu biểu, bao gồm 4 thành phần chức năng chủ yếu, gọi tên là “quân”, “thần”, “tá”, “sứ”:

Thang thuốc đông y

1. Quân – quân dược, còn thường gọi là “chủ dược”

Đây là vị thuốc quan trọng nhất trong một phương thuốc, có tác dụng giải trừ nguyên nhân bệnh và chữa trị triệu chứng chính. Đó là vị thuốc không thể thiếu trong một phương thuốc và được sử dụng với liều lượng lớn hơn các phần tử khác. Vị thuốc này có vai trò như ông vua trong một quốc vương, nên người xưa gọi là “quân dược”. Một phương thuốc nhỏ, thông thường chỉ có một quân dược, giống như một quốc gia chỉ có một vua. Tuy nhiên, trong các phương thuốc lớn, có thể có tới hai hoặc vài “quân dược”.

2. Thần – thần dược

Đây là vị thuốc có tác dụng phụ trợ cho vị thuốc chính; giống như vị tể tướng, phụ tá nhà vua. Một đơn thuốc phức tạp, thường bao gồm nhiều vị “thần dược”; còn phương thuốc đơn giản, lại có thể không có “thần dược”. Như vậy, trong một “vương quốc” có thể không có, hoặc có thể có vài tể tướng.

3. Tá – tá dược

Là vị thuốc có tác dụng hiệp trợ, hỗ trợ quân dược (chủ dược) và thần dược (phụ dược) trị liệu những kiêm chứng, hoặc giải trừ một số chứng trạng cá biệt thứ yếu. “Tá dược” có vai trò giống như những vị thượng thư, phụ tá cho vua và tể tướng đảm nhiệm công việc thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, “tá dược” còn có tác dụng tiêu trừ hoặc làm giảm độc tính và tác dụng phụ của các vị thuốc chính (quân và thần dược).

4. Sứ – sứ dược

Có hai tác dụng chính; một là dẫn thuốc (dẫn kinh báo sứ), đưa thuốc đến ổ bệnh, để tập trung tác dụng trị liệu; hai là điều hòa các vị thuốc trong một phương thuốc. “Sứ dược” có vai trò như một vị quan sứ, để vua sai phái, truyền đạt mệnh lệnh của triều đình.

Cờ Vua, cờ tường cũng áp dụng cách điều binh khiển tướng của triều đình

Một phương thuốc nếu không có tổ chức theo trật tự chặt chẽ như trên, sẽ chỉ là một đám ô hợp.

Ví dụ bài thuốc “Ma hoàng thang”

Thành phần bao gồm: Ma hoàng 9g, quế chi 6g, hạnh nhân 9g, cam thảo nướng 3g.

Đây là bài thuốc tiêu biểu, dùng chữa ngoại cảm phong hàn, với các triệu chứng sợ rét phát sốt, không mồ hôi mà suyễn thở. Còn nếu cảm nóng thì

Trong phương thuốc này ma hoàng là QUÂN, có tác dụng tân ôn giải biểu tương đối mạnh.

Quế chi đóng vai trò “thần dược“, cũng là vị thuốc có tác dụng phát hãn giải biểu, dùng để phụ trợ cho “ma hoàng”.

Hạnh nhân đóng vai trò “tá dược“, sử dụng để chữa trị suyễn, một chứng thường gặp khi bị cảm lạnh.

Cam thảo là “sứ dược“, có tác dụng điều hòa các vị thuốc, làm giảm bớt dược tính mãnh liệt của ma hoàng.

Theo thuocvuonnha

Hoàng Kỳ

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version