Đại Kỷ Nguyên

Phòng bệnh sỏi thận không hề khó, chỉ cốt ở hai chữ “trung dung”

Khi xuất hiện những cơn đau thắt vùng eo và đi khám, nhiều người mới biết mình bị sỏi thận, có viên to như củ khoai tây. Vấn đề này rất thường gặp, nhưng thực ra chỉ cần nhớ một vài điều đơn giản là bạn có thể đẩy xa nguy cơ sỏi thận rồi.

Tại sao bạn bị sỏi thận?

Thực chất, sỏi đường tiết niệu là do chất mucoprotein đã keo dính các tinh thể trong nước tiểu mà bình thường có thể được đào thải qua bài tiết, từ đó tạo thành sỏi.

Nguyên lý hình thành sỏi là ‘tích tiểu thành đại’, bắt đầu từ những tinh thể rời rạc mà sinh ra sỏi cỡ đầu ngón tay hay thậm chí tương đương với quả trứng vịt.

Sỏi thận to như củ khoai tây. (Ảnh: Nguoiduatin)

Có một số nguyên nhân thúc đẩy việc hình thành các viên sỏi như sau:

Uống nước không đủ: nhất là với những người lao động nặng nhọc, hoặc mải làm việc cả ngày không uống nước lại mất nước nhiều qua mồ hôi, làm nước tiểu bị cô đặc, tăng khả năng lắng đọng các tinh thể và hình thành sỏi thận. Các viên sỏi càng dễ được hình thành khi nước tiểu bị cô đặc và ứ đọng.

Chế độ ăn uống không hợp lý: cơ chế hình thành sỏi bao gồm rất nhiều nguyên nhân, khi thiếu sự cân bằng, như thừa hay thiếu một thành phần nào đó gây ra những loại phản ứng khác nhau cũng có thể gây ra những loại sỏi khác nhau. Vậy nên, ăn thiên lệch một loại thức ăn, cụ thể là ăn quá nhiều thịt hoặc ngược lại, ăn quá nhiều rau chứa nhiều vitamin C thì cũng dễ bị sỏi.

Chế độ ăn quá nhiều thực phẩm chứa canxi sẽ khiến cơ thể dư thừa canxi, lượng canxi dư thừa sẽ tích tụ hình thành sỏi canxi. Mà quá ít canxi thì cũng tăng oxalate trong nước tiểu, từ đó hình thành sỏi oxalate.

Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất canxi và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra chúng còn làm giảm bài tiết chất citrat, là chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi.

Người ít vận động: Các chuyên gia chỉ ra, nếu con người ta ít vận động, vừa không có lợi cho việc hấp thụ can-xi, khiến lượng can-xi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, gây ra sỏi thận. Mặt khác, khi ít vận động gây tăng sự ứ đọng của nước tiểu và dẫn tới hình thành sỏi.

Nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục: gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó hình thành sỏi. Nguyên nhân này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn. Khi không vệ sinh thường xuyên, vi trùng có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó hình thành sỏi.

Dị dạng, bệnh lý liên quan: u xơ tiền liệt tuyến, u xơ đội lên trong lòng bàng quang, di dạng…gây ứ đọng, nước tiểu không thoát được dễ tạo thành sỏi.

Phòng bệnh sỏi thận nhờ hai chữ ‘trung dung’

Ngoài yếu tố bệnh lý viêm nhiễm, thì sỏi thận xuất phát từ việc thiếu điều độ trong lối sống, đặc biệt là dinh dưỡng. Vận dụng nguyên tắc vừa đủ, không thiên lệch về một chế độ đơn độc nào đó sẽ rất hữu hiệu cho việc phòng tránh sỏi thận.

Quan trọng nhất để dự phòng là uống đủ nước và phân bố đều trong ngày. Nghe thì đơn giản, nhưng vẫn rất nhiều người không thực hiện được, đặc biệt là những người lao động. Hay nhiều người mải làm đến quên ăn quên uống. Ngoài việc uống nước thì chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sỏi đường tiết niệu.

Hãy uống đủ nước:

Tối thiểu 2 lít/ngày, nước được cung cấp đủ sẽ không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn mà còn điều hòa nhiệt độ cơ thể. Hơn thế nữa nó giúp thải trừ các chất cặn bã để ngăn ngừa bệnh tật. Nhu cầu uống nước của mỗi người tăng lên hay giảm đi tùy theo tính chất công việc và đặc biệt là theo thời tiết. Không nên uống các loại nước nhiều đường, nhất là đối với người béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Với những người bị suy tim, suy thận… cũng tránh uống quá nhiều nước vì có thể gây gia tăng khổi lượng tuần hoàn, tăng gánh nặng cho tim, thận.

Lưu ý ăn uống hợp lý:

Cần ăn đủ canxi, các loại thực phẩm giàu kali, magie, vitamine B6, phylate, giảm protein động vật (5-7g một ngày), giảm muối (2-4 g/ngày), giảm đường sucrose… để phòng ngừa sỏi canxi. Các loại nước uống ảnh hưởng đến tạo sỏi canxi là cà phê, trà, rượu, sữa, nước bưởi…

Không ăn quá nhiều thực phẩm nhiều oxalat như trái cây, rau xanh, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc có nhiều acid, vitamin C. Các loại trái cây chứa nhiều oxalate bao gồm các loại quả mọng, kiwi, nho tím. Các loại rau chứa nhiều oxalate bao gồm đậu bắp, tỏi tây, rau bina, củ cả.

Giảm bớt thịt gà, đồ biển để giúp giảm lượng purine ăn vào, giảm sản xuất acid uric, kiềm hóa nước tiểu để phòng ngừa sỏi uric bằng. Nên ăn nhiều trái cây, rau quả nhằm kiềm hóa nước tiểu và giảm nguy cơ tạo tinh thể acid uric.

Hạn chế muối trong khẩu phần ăn nhằm giúp giảm bài tiết cystein trong nước tiểu. Ăn nhiều trái cây, rau quả giảm bớt thịt gà, đồ biển…

Đu đủ – trái cây tuyệt vời cho phòng tránh sỏi thận. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, nếu bạn đi xét nghiệm thành phần nước tiểu nếu có dấu hiệu bất thường thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý để phòng ngừa bệnh.

Nếu nước tiểu nhiều canxi, cần giảm lượng canxi, giảm protein động vật, muối, đường sucrose. Nếu nhiều acid uric, cần giảm thức ăn có chứa purine. Trường hợp có nhiều oxalate, cần tránh các thực phẩm chứa nhiều oxalate, vitamin C, ăn đủ canxi. Với nước tiểu ít thành phần citrat, nên ăn thêm trái cây, rau quả, giảm protein động vật, uống nhiều nước chanh (có nhiều citrate) giúp giảm hấp thu muối, canxi, protein trong thức ăn.

Ngoài ra, với một số trường hợp đặc biệt như có các bệnh lý, bất thường liên quan đến đường niệu, cần được điều trị sớm. Cũng như vệ sinh sạch sẽ vùng kín hàng ngày để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng, đặc biệt là phụ nữ mới sinh.

Thực ra khi thực hiện được những nguyên tắc này, bạn sẽ có được một sức khỏe toàn diện chứ không chỉ là tránh được nguy cơ sỏi thận.

Tú Linh tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version