Đại Kỷ Nguyên

Nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ, thì đây là điều mà nhiều người phải đối mặt

Thế giới đang hồi hộp từng ngày theo sát mối quan hệ căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ. Nếu chiến tranh xảy ra, các đầu đạn hạt nhân được kích hoạt, khi đó sức hủy diệt sẽ thật khủng khiếp: nhiệt độ toàn cầu tụt giảm, mất tầng ozone, phóng xạ hủy hoại con người và sinh thái…

Nhiều nhóm chuyên gia đã thử nghiên cứu về các kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân. Kết quả tựu chung lại 2 chữ là “Kinh hoàng” trên rất nhiều góc độ.

Theo Foxnews, Harry J. Kazianis, giám đốc về nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (National Interest) cùng một số chuyên gia khác đã đánh giá các tình huống Bắc Triều Tiên và Mỹ vướng vào một cuộc xung đột hạt nhân. Theo đó, nếu Bình Nhưỡng quyết định phóng một tên lửa có mang theo đầu đạn hạt nhân vào Seoul, Tokyo, căn cứ quân sự Hoa Kỳ hoặc lục địa nước Mỹ, sự tàn phá xảy ra sẽ không giống như bất cứ điều gì chúng ta đã chứng kiến trong Thế Chiến II.

Trong một vụ ném bom nguyên tử, bức xạ và sóng nén áp suất cao, sức nóng lên đến 4.000 độ C sẽ phá huỷ nhiều công trình kiến trúc trên một diện tích lớn. Hàng triệu người trên thế giới có thể chết hoặc trở thành nạn nhân của phóng xạ hạt nhân, và họ có thể bị ủ bệnh sau nhiều năm mới phát tác. Theo như cách nói của một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thì điều này “giống như Ma vương mở cửa địa ngục vậy”.

Ngay cả khi sống sót, sức khoẻ của những người này cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Phóng xạ cũng có thể gây biến đổi gen, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ, và để lại những hệ lụy vô cùng nhiều cho sức khỏe con người.

Dưới đây là những tác hại mà bom nguyên tử và phóng xạ gây ra cho con người, và sinh vật, đều là những tổn thương và bệnh tật nghiêm trọng:

1. Bị bỏng nặng

Nạn nhân của hai vụ ném bom cho thấy làn da đầy những vết sẹo khiến ai cũng phải rùng mình. Ảnh dẫn theo theguardian.com

2. Đột biến gen cho người và các sinh vật

Tháng 3/2011, thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến 3 lò phản ứng hạt nhân rò rỉ. Đây là một trong những thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất, khiến hơn 160.000 người bị ảnh hưởng.

Những người bị phơi nhiễm phóng xạ sẽ bị đột biến gen, và con cháu của họ sau khi sinh ra rất có thể sẽ bị dị dạng. Môi trường của khu vực này cũng bị nhiễm xạ nghiêm trọng, sinh ra động, thực vật dị dạng. Có 99 loại thực phẩm đã được Bộ Y tế Nhật Bản công bố nhiễm xạ, cá biệt có đào hình số 8, cà chua u bướu, cá nhiễm phóng xạ quá 2500 lần cho phép. Đất đai ở khu vực xung quanh do nhiễm phóng xạ mà không thể trồng trọt được.

Rau, củ, quả có hình dạng kì dị vì đột biến gen. Ảnh dẫn theo blogunik.com
Trẻ sinh ra bị dị dạng vì cha mẹ nhiễm phóng xạ wikipedia.org

3. Ung thư ác tính

Một người nhiễm phóng xạ thường phải chịu ảnh hưởng lâu dài. Từ năm 2000 đến 2003, Tổ chức Nghiên cứu Tác động Phóng xạ Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu tuyến giáp của 3.185 nạn nhân có mặt ở thành phố Hiroshima và Nagasaki khi bị ném bom. Kết quả cho thấy, khoảng 45% số nạn nhân này mắc u ác tính, u tuyến giáp và u nang. Theo Tiến sĩ Misa Imaizumi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, sau khi bị nhiễm phóng xạ, nạn nhân vẫn phải chịu ảnh hưởng từ 50 đến 58 năm.

4. Mùa đông hạt nhân

Một nhóm chuyên gia lập mô hình trên máy tính về cuộc xung đột hạt nhân giả định giữa Ấn Độ – Pakistan thời kỳ 2 nước này có mối quan hệ căng thẳng, với khoảng 100 quả bom tương tự bom gây thảm họa Hiroshima, tức mỗi quả tương đương 15.000 tấn TNT. Họ tái tạo các phản ứng bên trong và giữa khí quyển, đất đai, băng trên biển thuộc hệ thống khí hậu của trái đất. Đây cũng có thể là kịch bản áp dụng cho cuộc chiến hạt nhân Triều Tiên – Mỹ.

Các chuyên gia cảnh báo, cuộc chiến hạt nhân có thể mang đến “mùa đông hạt nhân”, chỉ tình trạng khói mù, tro bụi bao trùm khí quyển và che mất mặt trời. Hậu quả là hầu hết sinh vật có thể chết lần mòn do thiếu thực phẩm, nạn đói lan tràn.

Cuộc chiến hạt nhân có thể mang đến “mùa đông hạt nhân”, hậu quả là hầu hết sinh vật có thể chết lần mòn do thiếu thực phẩm, nạn đói lan tràn. Ảnh dẫn theo worldcrunch.com

5. Gián đoạn khí hậu 10 năm

Kết quả cho thấy ảnh hưởng thật khủng khiếp. “Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi biết được thậm chí một cuộc chiến hạt nhân nhỏ ở bên kia địa cầu cũng có thể làm gián đoạn khí hậu trên toàn cầu trong ít nhất 1 thập niên, và thổi bay tầng ozone suốt 10 năm”, chuyên san Earth’ s Future dẫn lời trưởng nhóm Michael Mills của Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khí quyển ở Colorado (Mỹ).

6. Nhiệt độ toàn cầu tụt giảm

Các chuyên gia dự đoán những cơn bão lửa có thể gieo rắc khoảng 5,5 triệu tấn carbon đen lên tầng cao của khí quyển. Lớp tro bụi này sẽ hấp thu nhiệt lượng từ mặt trời tỏa ra, làm nguội đi bề mặt bên dưới. Các mô hình giả định cho thấy sau một cuộc chiến như vậy, nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu sẽ lập tức sụt xuống khoảng 1,5 độ C, mức thấp nhất trong hơn 1.000 năm.

Ở một số nơi, nhiệt độ thậm chí còn lạnh hơn nữa, khi mà phần lớn Bắc Mỹ, châu Á, châu Âu, Trung Đông trải qua mùa đông với nhiệt độ giảm hơn từ 2,5 đến 6 độ C so với bình thường, còn mùa hè cũng bớt nóng do nhiệt độ thấp hơn từ 1 đến 4 độ C. Diễn biến này sẽ kéo theo tình trạng sương giá hủy hoại mùa màng. Nhiệt độ toàn cầu giảm xuống trong 1/4 thế kỷ, góp phần làm giảm lượng mưa và ảnh hưởng đến hoa màu.

Sau một cuộc chiến như vậy, nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu sẽ lập tức sụt xuống khoảng 1,5 độ C, mức thấp nhất trong hơn 1.000 năm. Ảnh dẫn theo popsci.com

7. Hủy hoại tầng ozone

Tro từ những vụ cháy hấp thu nhiệt lượng trong khí quyển, đốt nóng tầng bình lưu kích hoạt các phản ứng hóa học làm tầng ozone bị hủy hoại. Mất đi lớp bảo vệ, tia cực tím từ mặt trời dội thẳng xuống mặt đất nên vào mùa hè, lượng cực tím ở vùng vĩ độ trung (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỹ, Afghanistan…) sẽ tăng từ 30 đến 80%, đe dọa sức khỏe con người, ảnh hưởng nông nghiệp và hệ thống sinh thái trên đất liền và biển cả. Đồng thời, lượng mưa giảm trên toàn cầu, dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở các khu vực như Amazon khiến tình trạng khói mù càng trầm trọng hơn.

Không ai mong muốn một cuộc chiến hạt nhân sẽ nổ ra, tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên tục giữa Triều Tiên với Mỹ, nhiều người không mấy lạc quan về tương lai.

Nhân Hòa t/h

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version