Đại Kỷ Nguyên

Sơ cứu đúng cách khi bị vết cắt mạch máu

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, bệnh viện Bạch Mai cho biết, tốc độ chảy máu ở các động mạch rất nhanh, do đó khi bị thương ở mạch máu, việc đầu tiên là cầm máu đúng cách. Chỉ cần sơ cứu chậm vài phút thôi, nạn nhân có thể nguy hiểm tính mạng.

Anh Minh Tuấn (50 tuổi, Long Biên, Hà Nội) bị mảnh kính vỡ cắt vào cổ tay khi đang làm việc tại công trường xây dựng. Tuy nhiên, anh chỉ sơ cấu cầm máu bằng cách dùng mảnh áo bịt vào vết thương rồi đến bệnh viện cấp cứu. Trên đường di chuyển, vết cắt sâu chảy rất nhiều máu khiến anh Tuấn lử đi. May mắn bệnh viện gần công trường nên anh đã được các bác sĩ xử trí kịp thời và bảo toàn tính mạng.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng cho Sức khỏe và Đời sống biết, trên cơ thể chúng ta có những vị trí mạch máu nằm rất gần da như cổ tay, cánh tay, cổ, đùi… Chỉ cần một vết cắt, vết xước vào mạch máu cũng sẽ khiến máu chảy không kiểm soát, cơ thể mất máu có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, rất nhiều người khi bị cứa bởi vật sắc nhọn, nạn nhân rơi vào trạng thái hoảng loạn, dẫn tới sốc mất máu.

Một người trưởng thành có khoảng 4,5-5 lít máu, mỗi lần bóp của tim cần dùng 60 ml, vây nếu sơ cứu không nhanh và đúng cách thì chỉ 5 phút sau, nạn nhân có thể gặp nguy hiểm. Lúc này, nếu đưa đến bệnh viện, việc cứu chữa cũng gặp nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng hướng dẫn cách sơ cứu vết thương ở mạch máu:

Khi phát hiện người bị thương tại mạch máu, việc đầu tiên là cầm máu. Bởi tốc độ chảy máu của các động mạch rất nhanh, tùy vào từng vị trí bị cắt, riêng với động mạch cảnh 2 bên cổ chỉ cần 1-2 phút là bệnh nhân có thể bị cạn máu hoặc sốc mất máu gây tử vong.

Bạn có thể lấy khăn, giấy ăn, thậm chí vải quần áo áp vào vết thương, sau buột chặt phía trên vết cắt. Quan sát, nếu vẫn chảy máu có nghĩa bạn sơ cứu không thành công. Chú ý không buộc phía dưới vết thương vì không cầm được máu.

Riêng hai mạch cảnh ở cổ thì việc băng gạc phải rất cẩn thận vì có thể làm bệnh nhân ngạt thở trước khi sốc mất máu. Mọi người nên đặt 1 que ở phía đối diện vết thương và băng chặt, điều này có thể tạo khe hở để bệnh nhân không ngạt thở.

Cũng có thể dùng ngay bàn tay của bệnh nhân đặt trên vết thương và băng. Sau đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu lại đúng cách.

Không nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế quá xa, gây nguy hiểm tính mạng cho người bện. Nếu đưa bệnh nhân đến bệnh viện, dù nhanh cũng phải mất 10 phút, khi đó mọi sự cấp cứu đều đã muộn.

Tiến sĩ Hùng khuyến cáo, không chỉ riêng vết thương mạch máu, mà bất kỳ những tai nạn, hiểm họa rình rập khác trong cuộc sống, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định khả năng sinh tồn của nạn nhân.

Tổng hợp

(Tổng hợp)

Exit mobile version