Đại Kỷ Nguyên

Số ca mắc sởi ở Hà Nội cao gấp 5 so với cùng kỳ năm ngoái

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, 9 tháng vừa qua số ca mắc bệnh sởi ở thủ đô tăng đột biến với gần 400 trường hợp, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.  

Theo số liệu của Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1.093 ca dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, với 1 ca tử vong tại Hưng Yên. Đặc biệt, tại các tỉnh thành phía Nam dịch sởi đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ dịch chồng dịch.

Căn cứ vào số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trong 6 năm trở lại đây cho thấy sự gia tăng đột biến của số ca mắc sởi trong năm 2018 so với 3 năm trước. Cụ thể, năm 2015 có 39 ca; năm 2016 có 3 ca; năm 2017 lên 85 ca, đến năm 2018 có 398 ca.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trao đổi với Báo Ngày Nay, nếu như các năm trước số ca bệnh xuất hiện chủ yếu trong mùa Xuân thì năm 2018 lại xuất hiện trái mùa, chủ yếu mùa Hè và mùa Thu.

Số ca mắc sởi trong 3 tháng tháng 6, 7, 8 qua các năm như sau: Năm 2013 không có ca mắc thời điểm này; năm 2014 là năm dịch sởi bùng phát mạnh mẽ nhất tìh có 14 ca; năm 2015 có 5 ca; năm 2016 có 1 ca; năm 2017 có 9 ca và năm 2018 có tới 205 ca mắc vào dịp hè-thu.

Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi có 628 trường hợp mắc (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi có 1.106 trường hợp (37,8%). Các trường hợp mắc sởi là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng sởi theo quy định.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho Lao Động biết dù số ca mắc có tăng so với 2017 nhưng bệnh chỉ diễn ra rải rác, không tập trung thành ổ dịch.

Ông Phu cũng lo ngại năm 2018-2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014), nếu không quyết liệt trong công tác tiêm chủng, “kịch bản” sởi có thể quay lại.

Hà Nội là nơi tập trung đông dân sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ làm tăng nguy cơ về bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo:

– Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm.

– Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng của bệnh.

– Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

– Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Dấu hiệu mắc bệnh sởi Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. – Ban xuất hiện ở sau tai, lan khắp mặt, dần xuống ngực bụng và toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Trẻ mắc sởi thường sốt 38-39 độ C và sốt liên tục. – Ngoài ra còn một số triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy… Trường hợp mắc sởi, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi, nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa…

(Tổng hợp)

Exit mobile version