Đại Kỷ Nguyên

Sinh con dễ dàng nhờ 10 lời khuyên dạy của Hải Thượng Lãn Ông

Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, công việc đồng áng vất vả nhưng việc sinh con của người phụ nữ xưa lại dễ dàng như “quả chín tự nhiên rụng” được đề cập trong trước tác: “Tọa thảo lương mô” của Hải Thượng Lãn Ông. Ngược lại, ăn uống đầy đủ, công việc nhàn nhã, việc sinh nở của chị em ngày nay lại trở nên khó khăn hơn nhiều.

Câu chuyện 3 lần sinh nở của người phụ nữ thế hệ trước

Bác Nguyễn Thị Bình (Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội), sinh 3 người con đều trong thời kỳ khó khăn thuộc chế độ bao cấp. Thế hệ bác sống “tằn tiện” khi mà điều kiện sống thiếu thốn đủ đường, phần cơm ăn thì ít mà độn khoai lẫn sắn thì nhiều.

Năm 1987, bác Bình sinh con trai cả Nguyễn Văn Hưng. Sau gần 30 năm, ký ức về những ngày sinh cậu con trai  đầu lòng vẫn vẹn nguyên như mới ngày nào. Bụng bầu 9 tháng 10 ngày nhưng đến tận tháng thứ 9 bác vẫn ra đồng cuốc đất, tưới rau. Cụ thân sinh ra chồng bác thầu 5 mẫu ruộng, chồng lại đi làm xa nên bác hầu như quán xuyến hết việc đồng áng và việc lớn nhỏ trong gia đình.

Cô Bình, người sinh hạ 3 người con thuật lại câu chuyện. (Ảnh: eva.vn)

Bác kể lại: “Trước những ngày sinh con, “bụng vượt mặt” tôi vẫn gồng gánh nước để tưới cây. Sáng sớm gà gáy dạy từ 4 giờ nấu cám lợn, tranh thủ bắc bếp thổi cơm cho cả nhà. Cơm nước xong xuôi lại chuẩn bị thùng, quang gánh lấy nước từ mương tưới cho tất cả 5 mẫu rau”.

Bụng bầu đến tháng đẻ bác đều đặn gánh 30 gánh “thể dục” mỗi ngày như thế. Sinh anh Hưng vào 9 giờ sáng hôm sau thì ngày hôm trước bác vẫn cố gánh 17 gánh nước để tưới nốt mẫu ruộng, sợ rau hạn khô nước mà chết. Những tháng bầu bí thứ 4,5 chuyện gánh 50 gánh nước một ngày là chuyện có thật và hoàn toàn bình thường.

Ngày sinh cậu con trai thứ hai Nguyễn Ngọc Hiếu (năm 1988), bác vẫn lọ mọ ngoài bãi cố cuốc xong thửa ruộng nhưng chuyển dạ đau quá không chịu nổi. Người nhà phải dìu bác chạy tắt qua lối trồng rau ở vườn trạm xá để sinh con. Bác chạy vội, suýt “tụt” con giữa bãi ngô.

Năm 1990, bác Bình mang bầu cô út Nguyễn Hiền Lương. Bác bảo, các cụ ngày xưa quan niệm gia đình phải có nếp có tẻ. Vì vậy, bác sinh 2 con trai rồi giờ cố gắng thêm 1 mụn con gái nữa mới làm hài lòng các cụ.

Kể lại ngày chuyển dạ Lương, bác vẫn đùa với mọi người trong nhà: “Ngày ấy bác gánh nước, đi lại nhiều quá nên việc sinh nở cũng dễ dàng hơn thì phải không khó khăn như bây giờ. Chuyển dạ Lương, bác chạy đến trạm xá không kịp nên đẻ vội ở ngay cột điện đầu ngõ”.

Hôm sinh con, bác lâm râm đau bụng suốt cả ngày nhưng vẫn cố đi làm cỏ rau muống dưới cuối làng. Buổi tối cơm nước cho cả nhà, bác cùng bố mẹ chồng ngồi bóc ngô đến tận 11 giờ đêm rồi vừa đi ngủ thì đau quằn quại có dấu hiệu chuyển dạ. Mẹ chồng và chồng vội vã bọc tã, chăn đưa bác đi ra trạm nhưng ra đến đầu ngõ thì “con rơi ra ngoài”. Bác đẻ luôn tại đấy, bà đỡ cũng là mẹ chồng.

Sinh con tại gốc xoan ven đường

Cũng do cảnh nhà xa viện mà bà Nguyễn Thị Lý (Thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu) 27 năm trước từng đưa em gái đi sinh con và cũng bị đẻ rơi dọc đường. Bà kể lại, sáng hôm ấy, hai chị em vẫn đi lên nương làm cỏ bình thường. Đến 10 giờ trưa, em gái bà có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ. Nhờ người gọi người nhà mang tã, quần áo ra nương nhưng không kịp.

Cô Lý kể lại câu chuyện sinh con của người em gái. (Ảnh: eva.vn)

Bà dìu em gái lên xe đạp và tức tốc chở đến bệnh viện thị trấn cách 4 cây. Đi được nửa quãng, không “nhịn” nổi, em gái bà đã sinh con ngay tại gốc xoan ven đường. Bà lấy áo lao động bên ngoài quấn cho cháu và gọi xe lam chở 2 mẹ con đến viện cắt rốn.

Đọc câu chuyện trên hẳn chúng ta thấy được sự khác biệt hoàn cảnh trong việc sinh nở xưa và nay. Ngày nay đa phần sinh khó đều nằm trong 7 nguyên nhân khó đẻ mà Hải Thượng đã dạy:

  1. Vì nhàn rỗi quá làm cho khí huyết kém lưu thông, thường thấy phụ nữ nông thôn lao động chân tay lại dễ đẻ.
  2. Vì bồi dưỡng ăn uống thừa quá, thường thấy phụ nữ ăn uống sinh hoạt bình thường lại dễ đẻ.
  3. Vì ham dâm dục làm thai động hao tổn khí huyết. Thường 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai dễ bị ảnh hưởng hơn.
  4. Vì lo sợ hoang mang.
  5. Vì nhút nhát, nhất là ở sản phụ đẻ con so hoặc phụ nữ tuổi cao.
  6. Vì quá hoảng sợ hoảng hốt, vội rặn sớm thai ra không bình thường.
  7. Vì đuối sức do vội dặn sớm.
Phụ nữ vận động nhiều dễ sinh con. (Ảnh: Pinterest)

Cũng từ đó mà Hải Thượng cho 10 lời khuyên:

  1. Có thai và sinh đẻ là hiện tượng tự nhiên bình thường của phụ nữ, nếu thai phụ khỏe mạnh khí huyết sung túc, tinh thần đầy đủ, thư thái thì việc sinh đẻ tự nhiên như người ngủ tỉnh dậy, thai có xu hướng tự nhiên tìm đường ra. Nếu thai yếu thì nên bổ dưỡng khí huyết. Khi sinh đẻ cần được bà đỡ lành nghề, sản phụ không nên dặn quá sớm.
  2. Khi sắp đẻ, sản phụ cần an tâm định chí thoải mái tự nhiên, đừng lo sợ, lo ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi sinh hoạt tự nhiên, gắng chịu đau. Bình thường thì đến thời điểm chín muồi thì tự nhiên đẻ như người đi đại tiện, như quả chín tự nhiên rụng.
  3. Người đỡ không được thấy sản phụ kêu đau mà ép rặn đẻ sớm quá, đến khi thai xuống sản phụ không còn sức rặn đẩy thai ra.
  4. Khi sắp đẻ không nên nằm co mà ngủ, nên gượng dậy đi lại trong phòng.
  5. Đến lúc đẻ cần đẻ tự nhiên không nên thúc giục, sản phụ mà rặn đúng lúc như chờ cho quả chín thì cuống sẽ tự nhiên rụng.
  6. Cần chọn bà đỡ trung hậu, lão thành, tác phong thư thả bình tĩnh.
  7. Người đỡ cần biết phân biệt giữa tình hình cơn đau giục giã với tình hình sắp đẻ thật sự.
  8. Sản phụ phải giữ sức đừng vội rặn sớm quá mà đuối sức, đợi khi con tới cửa mình thì chỉ rặn một hơi là con ra.
  9. Sắp đẻ chớ nên bói toán cầu cúng mà hoang mang.
  10. Sắp đẻ nên ăn cháo trắng đặc nhừ, đừng ăn đồ ăn cứng lạnh khó tiêu, đừng để đói khát nhưng chớ ăn no mà chỉ để hơi đói là tốt.
Bên cạnh thai phụ luôn cần “bà đỡ” giàu kinh nghiệm. (Ảnh: bacsi-songha.com)

Ngoài ra, Hải Thượng còn để lại thang “Bảo sản vạn toàn” giúp cho khí huyết lưu thông, uống khi sắp đẻ và sau đẻ đều thích hợp.

Thành phần thang: Nhân sâm 10-20g, Đương quy 10g, Xuyên khung 4g, Can khương 1g, Đào nhân 12 hạt, Ngưu tất 8 g, Chích thảo 2.5g, Hồng hoa 1.2g, Nhục quế 2.5g.

Bài này đều bổ khí huyết làm chủ kiêm ôn trung tán đờm, đưa xuống khiến nguyên khí mạnh lên không thúc mà hóa tự nhiên đẻ.

Chú thích: Đây là những lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông được đề cập trong trước tác “Tọa thảo lương mô” (Những phương pháp tốt khi sinh đẻ).

Minh Hoàng

Exit mobile version