Đại Kỷ Nguyên

Selfie có thể lưu giữ khoảnh khắc, nhưng bạn đừng đánh đổi bằng tính mạng của mình

Selfie hay còn gọi là chụp ảnh tự sướng là cách mà người ngày nay dùng để lưu giữ, chia sẻ những kỷ niệm, trải nghiệm của họ cho người thân, bạn bè thông qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, bạn đang tự chuốc lấy rắc rối cho chính mình.

Một câu chuyện selfie kinh hoàng: Rơi vào tình trạng đe dọa tính mạng chỉ trong vài giây do chụp ảnh tự sướng

Trong một kỳ nghỉ gia đình ở Công viên Quốc gia Yellowstone vào năm 2015, cô Brandi Burgess cho rằng con bò rừng khổng lồ nặng gần 1 tấn này rất ngoan ngoãn, không quan tâm đến con người và đủ xa để chụp ảnh tự sướng với con gái.

Bức ảnh selfie của cô Burgess cùng con gái đa mang lại cho cô vết bầm tím lớn trên người.

Cô giơ điện thoại lên.

Sau đó, con động vật có vú trên cạn lớn nhất ở Bắc Mỹ bắt đầu chú ý.

Cô Burgess, 47 tuổi, quản lý tại một nhà máy sản xuất ở Flora, kể lại: “Khi chúng tôi chụp ảnh, người đàn ông ở rìa của bãi đậu xe hé cánh cửa xe và nói lớn, ‘Các bạn ở quá gần! Nó bắt đầu di chuyển rồi’. Tôi như nghe thấy tiếng vó ngựa và bắt đầu chạy đi”.

“Tôi đã thực hiện được 3 bước chạy trước khi con bò rừng húc vào người tôi. Và thế là tôi đang trên không. Khi tôi chạm đất, tất cả những gì tôi có thể nghĩ là, ‘Con bò rừng này sẽ chà đạp tôi. Tất cả đã kết thúc rồi'”.

Con bò rừng nhảy chồm lên người cô ấy, nhìn cô chằm chằm khoảng 1 phút rồi lững thững bỏ đi. May mắn thay, sừng của bò rừng đã bị mất đầu nhọn, vì vậy những gì để lại là một vết bầm lớn trên người cô Burgess.

Cái chết tự sướng ngày càng tăng

Nhiều người khác theo đuổi “bức ảnh tự sướng” đã không may mắn như cô Burgess. Năm 2019, đã có vô số sự cố xảy ra. Hai nữ sinh ở Nga bị chết khi chụp ảnh tự sướng. Ba thiếu niên ở Ấn Độ đã gặp tai nạn không qua khỏi bởi một chuyến tàu. Một sinh viên đại học ở Arkansas rơi ra khỏi một vách đá trong khi chụp ảnh tự sướng…

Một nghiên cứu gần đây cho thấy có 259 người chết và 137 người bị thương hoặc tai nạn trên khắp thế giới trong giai đoạn 2011-2017, từ 3 người chết năm 2011 đến 93 vào năm 2017. Ngã từ vách đá, đâm xe, tấn công động vật, chết đuối, tai nạn súng… có vô số cách người ta đã bị tử vong hoặc bị thương khi chụp ảnh tự sướng.

Nam giới chiếm 3/4 số ca tử vong khi chụp ảnh tự sướng. Một nửa số nạn nhân ở độ tuổi 20 – 29 và 36% là 10 – 19 tuổi. Gần một nửa xảy ra ở Ấn Độ, tiếp theo là Nga và Hoa Kỳ.

Đuối nước, tai nạn tàu hỏa và té ngã là những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất – một khoảnh khắc mất tập trung, không nhận thức được môi trường xung quanh đã gây ra tử vong cho người selfie. Và các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng vì ảnh tự sướng không được ghi nhận là nguyên nhân chính thức gây ra cái chết, nên con số thực sự có khả năng cao hơn nhiều.

Những tiết lộ như vậy dẫn đến sự gia tăng các lời kêu gọi những người chụp ảnh phải thận trọng hơn và thiết lập “khu vực không selfie” ở những nơi như hồ, cảnh quan và công viên quốc gia… Nhưng với ước tính 24 tỷ ảnh tự chụp mỗi năm thì cũng không phải dễ để thay đổi nhận thức của nhiều người.

Các tác giả của nghiên cứu đã viết:

“Selfies bản thân chúng không có hại, nhưng hành vi của con người đi kèm với selfies là nguy hiểm. Cá nhân cần được giáo dục về những hành vi nguy hiểm nhất định và những nơi nguy hiểm không nên chụp ảnh tự sướng”.

Mặt trái của mạng truyền thông xã hội

Tại sao mọi người có động lực để leo lên các gờ trơn hoặc đi quá gần động vật nguy hiểm để có thể nhận được một bức ảnh ưng ý nhất?

Ông John Grohol – một nhà tâm lý học ở Newburyport, và người sáng lập trang web Psych Central cho biết, không phải ngẫu nhiên mà sự gia tăng của những cái chết do selfie trùng với sự phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram và Twitter.

“Đó là sự củng cố tâm lý để mọi người nhận được nhiều lượt thích hơn. Nó nói với họ rằng những người khác đang tìm thấy bức ảnh hấp dẫn và thú vị. Những điều này đang làm dịu tâm trí của bạn nghĩ rằng, ‘Này, bạn đang làm tốt lắm. Hãy tiếp tục nếu bạn muốn được mọi người yêu thích, quan tâm'”, ông nói.

Nguy hiểm bắt đầu đến khi mọi người cảm thấy cần phải tự thể hiện những địa điểm tuyệt vời mà họ ghé thăm và những điều tuyệt vời họ làm, để ngang bằng hoặc trên mức độ phổ biến của bức ảnh cuối cùng.

Mọi người thấy chụp ảnh tự sướng là không mạo hiểm, không có nguy hiểm liên quan. Nhưng họ quên rằng nguy hiểm không đến từ việc bạn chụp ảnh tự sướng mà là bạn đang đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Thật dễ dàng bị phân tâm khi bạn đang nhìn mình trong điện thoại, từ đó không để ý đến ngoại cảnh. Và tất nhiên, không thể xử lý tốt tình hướng khi có điều bất trắc xảy đến.

Thực hành selfie an toàn

Lan Lan
Theo WebMD

Exit mobile version