Đại Kỷ Nguyên

Sai lầm khi ‘làm ấm cơ thể’ ngày rét… bằng rượu bạn cần biết

Uống rượu khiến các mạch máu giãn ra, khi gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng, gây tai biến, đột quỵ và dẫn đến tử vong.

Theo tờ Khoa Học Đời Sống, nhiều người cho rằng chỉ cần “nhấp” vài ba chén rượu ngày rét là trong người sẽ ấm lên ngay.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, mặc dù sau khi uống rượu sẽ thấy cả người nóng bừng như thể được tiếp thêm năng lượng. Nhưng cảm giác này chỉ là hiện tượng mang tính giả tạo, tạm thời. Cảm giác người nóng lên sau khi uống rượu là do tác dụng kích thích của rượu gây giãn mạch máu, máu lưu thông nhanh hơn. Thế nhưng điều này cũng kích thích sự trao đổi nhiệt nên khiến nhiệt lượng trong cơ thể nhanh chóng tiêu tan. Nghĩa là, ngay sau khi cảm giác giả tạo này qua đi, cơ thể sẽ trở nên “xuống sức” nhanh hơn, mỏi mệt hơn, lạnh hơn do nhiệt lượng dự trữ trong cơ thể đã bị lấy đi.

Theo Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học của Mỹ (AAAS), con người duy trì nhiệt độ cơ thể ở khoảng 37 độ C. Hầu hết lượng nhiệt này được tạo ra bởi quá trình trao đổi chất, giúp con người sống sót. Thông thường mạch máu co lại ở nhiệt độ thấp hơn để vận chuyển máu đến những cơ quan quan trọng. Rượu làm đảo ngược quá trình trên. Cơ thể người uống rượu cho rằng nhiệt độ đang tăng lên nên bắt đầu đổ mồ hôi để giảm nhiệt, điều này có thể gây ra một số tác hại nghiêm trọng.

Ngoài ra theo lương y Vũ Quốc Trung, việc uống rượu trong ngày mưa rét cũng rất dễ bị cảm, trúng gió và nhiều chứng bệnh tiềm ẩn khác. Quan trọng hơn là khi cơ thể có cồn thì não bộ sẽ phản ứng chậm hơn trong việc xử lý tình huống, từ đó khiến cơ thể bị lạnh quá mức và dễ gây nguy hiểm tới tính mạng. Nhìn một cách tổng thể, rượu không khiến cơ thể người ấm lên mà ngược lại làm hạ thân nhiệt, gây nguy hiểm cho người uống nhiều rượu.

(Ảnh minh họa: Africa Studio).

Theo Báo Pháp Luật, PGS.TS Tạ Mạnh Cường – phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam phân tích, khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến, đột quỵ và nguy cơ tử vong rất cao. Nếu người dân mua phải rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc còn có thể gây ngộ độc rượu, xuất huyết não do rượu rất nặng mà hầu như không cứu được.

Các cơn tai biến hay đột quỵ càng dễ xảy ra hơn ở những người già, người bị suy nhược cơ thể, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hay mắc các bệnh tim mạch… lại thích uống rượu.

PGS.TS Cường khuyến cáo: “Không nên uống rượu, nhất là trong thời tiết giá lạnh. Không có chuyện uống rượu giúp cho ấm cơ thể. Sẽ rất nguy hiểm nếu uống rượu mà gặp lạnh thì không những đột quỵ mà còn có thể nhồi máu cơ tim, có thể dẫn tới tử vong”.

Làm ấm cơ thể bằng thực phẩm

Bổ sung rau củ quả

Sức Khoẻ Đời Sống thông tin, nhiều nghiên cứu cho thấy, sợ lạnh có liên quan tới việc thiếu các chất khoáng trong cơ thể. Trong khi các loại rau củ quả như súp lơ, cà chua, cà rốt, su hào, bắp cải, khoai lang, khoai tây, dâu tây, cam, quýt… có hàm lượng khoáng chất phong phú.

Ảnh minh hoạ: Báo Dân Sinh

Các loại thịt

Những loại thịt như thịt dê, thịt bò, thịt hươu có tác dụng chống lạnh khá tốt. Bởi những loại thịt này có chứa hàm lượng protein và chất béo cao, có tác dụng bổ thận tráng dương, làm ấm cơ thể, bổ khí hoạt huyết.

Nếu bạn ăn những loại thịt này có thể tăng nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, tăng cường chức năng nội tiết, khiến cơ thể bạn chống đỡ với thời tiết giá rét tốt hơn.

Thực phẩm cay nóng

Các loại thực phẩm có tính cay nóng như: ớt, gừng, hạt tiêu, quế, giềng… là những thực phẩm có tác dụng trừ phong tán hàn, thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng thân nhiệt.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn một lượng vừa phải để giữ ấm cho cơ thể. Bạn không nên lạm dụng các thực phẩm cay nóng vì có thể gây nhiệt thái quá dẫn đến đi kiết lỵ, bệnh trĩ…

Thực phẩm chứa i-ốt

I-ốt có nhiều trong rong biển, muối biển, sứa, sò, cải thảo, rau chân vịt, ngô… có tác dụng kích thích bài tiết nhiều hormon tuyến giáp.

Ảnh minh hoạ: Sức Khoẻ Đời Sống.

Hormon này có tác dụng sinh nhiệt, thúc đẩy quá trình ô-xy hóa của các tế bào trong cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất, tăng cường tuần hoàn máu dưới da, có tác dụng chống lạnh.

Thực phẩm chứa sắt chống rét tốt

Nhiều nghiên cứu cho biết, nếu cơ thể thiếu chất sắt sẽ rất dễ bị lạnh.

Thân nhiệt của phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt thấp hơn so với thân nhiệt của phụ nữ có huyết sắc tố bình thường là 0,7 độ C và nhiệt lượng sản sinh trong cơ thể thấp hơn 13%.

Sau khi bổ sung chất sắt, khả năng chống rét của phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt tăng rõ rệt. Theo đó, mọi người, nhất là phụ nữ nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều sắt như: gan động vật, thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, rau chân vịt… để tăng khả năng chống rét.

Bạn cũng cần duy trì chế độ tập thể dục thể thao đều đặn, vừa sức để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Điều quan trọng là bạn cần mặc đủ ấm và tránh bị nhiễm nước mưa.

Video xem thêm: Cặp đôi say rượu ngủ bên lề đường

Exit mobile version