Đại Kỷ Nguyên

Rốt cuộc người ta sản xuất thuốc lá để làm gì?

“Sản phẩm giết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại là thuốc lá. Nó đã cướp đi khoảng 100 triệu sinh mạng trong thế kỷ 20” – Giáo sư Robert N. Proctor – nhà nghiên cứu của Đại học Stanford tại Mỹ. 100 triệu và không chỉ vậy! Rốt cuộc tại sao người ta sản xuất thuốc lá?

Ngày 31/5 hàng năm là ngày thế giới không hút thuốc lá, WHO kêu gọi cả thế giới hướng đến một ngày toàn cầu không khói thuốc lá.

Những con số biết nói…

Bạn có biết, rằng khoảng 5,6 nghìn tỷ điếu thuốc lá được hút trên toàn thế giới mỗi năm và khoảng 4,5 nghìn tỷ tàn thuốc lá sau khi hút bị vứt lại ở môi trường, trên đường đi và các khu vực công cộng hàng năm?

Khói thuốc là một hỗn hợp khí và bụi. Theo các công trình nghiên cứu, trong khói thuốc chứa khoảng 7.000-10.000 chất hóa học, trong đó có 60 chất được xếp vào loại gây ung thư: nicotin, mônôxít cacbon, hắc ín và benzen, formaldehyd, amoniac, axeton, asen, xyanua hiđrô ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra các bệnh về tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

Các kết quả thống kê cho thấy, mỗi năm 1,1 triệu người chết vì ung thư phổi và 85% người trong số đó hút thuốc lá.

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. Một điều tra cho thấy trên 50% nam giới hút thuốc lá và 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13-15 đã tiếp xúc với khói thuốc tại nhà. Tại Hà Nội, gần một nửa dân số phải hút thuốc thụ động, nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Ung thư phổi là dạng ung thư cao nhất ở nam giới và thứ tư ở nữ giới.

Nhưng… tại sao lại sản xuất thuốc lá?

Thuốc lá nổi tiếng vì chất Nicotine. Tuy nhiên, bạn ít có thể ngờ rằng, tên gọi này được đặt theo tên của một ngài đại sứ, Jean Nicot, đại sứ (ambassador) của Pháp tại Bồ Đào Nha (Portugal), người đã mang cây thuốc lá (tobacco plants) về Pháp trên một chuyến tàu từ Bồ Đào Nha vào năm 1559. Lúc đầu được chào mời với những thuộc tính y dược, dần dần phần tử nicotine trong cây thuốc lá đã được đặt tên theo ngài Nicot.

Lịch sử ngành thuốc lá thế giới đi lên cùng rất nhiều phi vụ làm ăn bí hiểm, sự thao túng chính trị, thậm chí thao túng ngay chính những người trong giới chức y tế. Người ta còn nhớ vào những năm đầu đến giữa của thế kỷ trước, các ‘đại gia’ thuốc lá dấu nhẹm những kết quả nghiên cứu bất lợi của thuốc lá. Họ thậm chí bóp mép để nói rằng thuốc lá có lợi cho sức khỏe, và nhiều minh tinh màn bạc, ngôi sao thể thao, nhiều bác sĩ đăng đàn ra sức quảng bá cho tiêu thụ thuốc lá.

Ngụy tạo kết quả khoa học để bán thuốc lá

Vì vậy cũng không thật khó tin khi nghe nói rằng rằng thuốc lá đã được đưa vào trường học cho học sinh, tùy theo độ tuổi mà sẽ ‘được’ hút nhiều hay ít. Đôi khí nó còn là phần thưởng cho bọn trẻ nữa!

Ngày nay, câu chuyện đã khác, tác hại của thuốc lá đã quá hiển nhiên, nhưng sao nó vẫn được các chính phủ bảo hộ? Người ta mất tiền trồng thuốc lá, phun xịt phân bón thuốc men, chăm chút đến ngày thu hái. Sau đó đưa vào phân loại, chế biến, pha trộn cùng phụ gia hoa chất hương liệu… rồi thành điều điếu thuốc bán trên thị trường. Phải chăng vì món lợi quá khổng lồ trên tổng doanh số toàn cầu ước tính là 500 tỷ USD (và còn hứa hẹn tăng trưởng tiếp), nên việc cấm thuốc lá là điều chỉ viển vông? Cũng vì món lợi kếch xù rơi ngay trước mặt này, người ta không tính được và cũng không muốn tính tổng thiệt hại mà ngành thuốc lá gây ra cho nhân loại là bao nhiêu. Sẽ thật là vòng đầu tư hoàn hảo khi một bên tạo ra các sản phẩm ‘gây bệnh’, còn một bên đi thu gom các bệnh nhân, chỉ bệnh, bán thuốc.

Nhìn lại tổng thể ngành thuốc lá, quả là cái được chẳng bõ cái mất, thậm chí sẽ chỉ là toàn mất khi huy động rất nhiều tài nguyên và nhân sự vào sản xuất kinh doanh thuốc lá, rồi lại cần đến một lực lượng lớn khác đi giải quyết hậu quả của nó, và cả xã hội phải gánh chịu nó.

Nhiêu đó thôi cũng đủ để bạn tự hỏi, sản xuất thuốc lá – cuối cùng là để làm gì? Với hàng loạt các con số đáng báo động trên, bạn chần chừ gì nữa? Hãy dừng hút để con “ma thuốc” không lớn tiếp được nữa!

Tú Linh

Xem thêm:

Exit mobile version