Đại Kỷ Nguyên

Quả sấu – ‘Thần dược’ trị nhiệt miệng, đau họng mùa nắng nóng

Theo Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát giúp trị chứng ho, nhiệt miệng, tiêu đờm, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu…

Quả sấu – “Thần dược” trị nhiệt miệng, đau họng mùa nắng nóng

Quá sấu là món ăn thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa mỗi khi hè đến. Trong quả sấu chứa các thành phần như nước, axit hữu cơ, canxi, sắt, vitamin C… rất tốt cho sức khỏe. Không chỉ là món ngon trong bữa cơm gia đình Việt, quả sấu còn có công dụng như dược liệu chữa bệnh.

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ quả sấu:

Trị nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng

Bạn lấy từ 4-6 g cùi quả sấu khô đem sắc với 300 ml nước. Sau khi sắc, cô đọng còn khoảng 100 ml, uống sau bữa ăn sáng.

Hoặc 8 g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Thực hiện một tuần đều đặn, bạn sẽ thấy cơ thể thanh nhiệt, không còn cảm giác ngứa cổ, đau họng…

Chữa ho

15 g cùi sấu tươi, ngâm với ít muối hoặc sắc lấy nước cho thêm chút đường, ngày ngậm 3-5 lần (nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ).

Ảnh minh họa.

Hoặc cùi sấu 25 g sắc với 250 ml nước còn 100 ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày.

Đối với trẻ nhỏ, có thể lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ thấy cơn ho giảm bớt.

Tăng cường hệ tiêu hóa

Nhờ có vị chua thanh nên sấu có tác dụng thanh nhiệt giải khát và kích thích làm tăng tiêu hóa. Lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn mỗi ngày.

Giảm cân

Tính axit trong quả sấu cao nên dễ dàng tác động đến hệ tiêu hóa, giúp cơ hấp thụ canxi tốt hơn.

Các chuyên gia đã phân tích, tế bào chất béo có càng nhiều canxi lưu trữ thì khả năng bị đốt cháy và tiêu hủy càng cao.

Quả sấu – “Thần dược” trị nhiệt miệng, đau họng mùa nắng nóng

Giải rượu

Dùng 4-6 g cùi quả sấu sắc 200 ml nước hoặc hãm với nước sôi rồi uống giúp đẩy lùi cơn say rượu bia.

Những ai không nên ăn sấu?

– Quả sấu tươi giàu axit nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày không nên dùng.

– Tránh ăn sấu khi đang đói.

– Trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng loại quả này vì hệ tiêu hóa nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.

– Không nên uống nhiều nước sấu ngâm đường, đặc biệt người bị tiểu đường.

– Những người thừa cân, bị huyết áp cao cũng nên hạn chế uống sấu ngâm đường.

Phương Nam

Exit mobile version