Đại Kỷ Nguyên

Phương pháp mới giúp bệnh nhân tiểu đường type 1 không cần tiêm insulin

Lần đầu tiên trên thế giới, bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 được điều trị nhưng không cần tiêm bổ sung insulin. 

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, thử nghiệm được Công ty ViaCyte (bang San Diego, Mỹ) thực hiện. Công ty này ứng dụng phương pháp điều trị tiểu đường mới bằng cách phát triển các tế bào tụy, bao gồm cả những tế bào beta sản xuất insulin đáp ứng theo mức đường máu PEC-01 từ những tế bào gốc phôi thai.

Các tế bào này được cho vào một thiết bị chứa và được cấy dưới da. Thiết bị có tên PEC-Direct, sau khi được cấy vào cơ thể bệnh nhân tiểu đường, sẽ tiết ra C-peptide (một thành phần trong quá trình sản xuất insulin).

Thiết bị PEC-Direct (ảnh: Tuổi Trẻ).

Trước khi ghép thiết bị này, bệnh nhân cần dùng thuốc ức chế miễn dịch để giảm thiểu phản ứng miễn dịch của cơ thể có thể xảy ra khi đưa vật thể lạ vào trong.

Hiện Công ty ViaCyte đang tiến hành một nghiên cứu khác cũng sử dụng tế bào PEC-01 được chứa trong một thiết bị bọc nang EC-Encap. Nhờ đó, bệnh nhân sẽ không cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Phương pháp này áp dụng cho người bệnh tiểu đường tuýp 1 (trước đây còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin) là bệnh mà có sự phá hủy tế bào beta của đảo tụy (tế bào tiết insulin), gây ra sự thiếu hụt insulin và phải sử dụng nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào cơ thể.

Bệnh tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, theo thống kê tại Việt Nam có tới 3,5 triệu người đang phải sống chung với bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư.

Nguy hiểm hơn nữa, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết – thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường tuýp 2 đã được ghi nhận.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường (ảnh: dkbetics.com).

Căn bệnh này là mối bận tâm của mọi gia đình, gây tốn kém cho bản thân người bệnh và gia đình họ, có thể chiếm tới 1/2 thu nhập của gia đình. Trong khi đó nhiều người mắc đái tháo đường lại không biết mình bị bệnh. Hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.

Giống như ung thư hay HIV, những nguy hiểm mà bệnh tiểu đường gây ra cho người bệnh không thể hiện rõ ràng và ngay lập tức mà mang tính chất “âm ỉ”, đến khi thấy triệu chứng thì đã quá muộn. 

Khi bạn bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường), về lâu dài nếu không có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập luyện hợp lý và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để kiểm soát hiệu quả căn bệnh này, bệnh tiểu đường có thể làm giảm chất lượng cuộc sống hoặc gây ra những ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như tim, thận, thần kinh, mắt…

Exit mobile version