Đại Kỷ Nguyên

Bệ bồn cầu và giấy vệ sinh, cái nào sạch hơn?

Nhiều người thích sạch sẽ, cẩn thận lót thêm lớp giấy vệ sinh lên bệ bồn cầu trước khi ngồi, dù có đang vội đến đâu. Nhưng cách làm này có thật hiệu quả?

Không cần suy nghĩ nhiều, đa số đều đồng ý rằng bồn cầu là nơi bẩn nhất trong nhà, là chốn tung hoành cho đủ loại vi khuẩn vi trùng. Nhưng lớp giấy lót thêm lên bệ cầu kia liệu có thực sự bảo vệ bạn khỏi những mầm bệnh độc hại?

Bệ bồn cầu và giấy vệ sinh, cái nào sạch hơn?

Hóa ra lớp giấy vệ sinh đó hoàn toàn vô tác dụng, theo giáo sư về vi sinh học và bệnh học Philip Tierno. Tại sao vậy?

Bệ ngồi của bồn cầu sạch hơn bạn nghĩ nhiều!

Quả thực vậy, thông thường bề mặt bệ bồn cầu sạch hơn nhiều so với hầu hết bồn rửa bát của nhiều gia đình, theo giáo sư Tierno. Với những vi khuẩn lây qua đường sinh dục, thì rất hiếm khi chúng ta thấy nó trên bệ bồn cầu, vì loại này chết rất nhanh ở môi trường bên ngoài, như virus herpes chỉ có thể tồn tại 10s ở ngoài cơ thể người, và cả vi khuẩn lậu cũng vậy.

Còn đối với virus lây qua đường máu như HIV hay virus mới nổi gần đây, virus Zika? Chúng chỉ có thể lây qua những vết thương hở, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm nếu không có vết thương hở nào.

Bất ngờ hơn, hầu hết những vi khuẩn ở trên bệ bồn cầu lại đều là những vi khuẩn sinh sống trên bề mặt da bạn, mà nếu bạn dùng kính hiển vi thì có thể thấy chúng nhung nhúc khắp nơi trên làn da, thực ra thì những vi khuẩn này cũng rất quan trọng đối với sức khỏe bạn đấy.

Chất lượng giấy vệ sinh là cả một vấn đề (Ảnh: Internet)

Mà giấy vệ sinh có lẽ lại không sạch như bạn tưởng?

Các nghiên cứu cho thấy với mỗi lần xả nước sau khi đi vệ sinh, vi khuẩn trong phân sẽ bị bắn lên không khí, tựa như phun vi khuẩn vào không khí vậy. Thậm chí vì vậy mà cuộn giấy vệ sinh cũng có thể sẽ nhiễm những vi khuẩn này. Có một biện pháp đơn giản để phòng tránh, đó là đậy nắp bồn cầu khi xả, do đó vi khuẩn sẽ không bị bắn lên không khí xung quanh. Ấy là chưa kể đến việc chất lượng giấy vệ sinh có vấn đề, ví dụ các loại giấy không đủ tiêu chuẩn, dùng nhiều phụ gia hóa chất, đặc biệt là các loại chất tẩy trong quy trình sản xuất.

3 nguyên tắc quan trọng khi đi vệ sinh

Dù sao nhà vệ sinh cũng vẫn là nơi chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nhưng nếu tuân theo 3 bước đơn giản sau, bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề này.

Nguyên tắc 1: không sờ và mũi, mắt, miêng hay vết thương hở cho đến khi bạn rửa tay xong.

Nguyên tắc 2: Rửa tay bằng xà phòng trong 20 giây, chú ý đến phần móng tay. Ngoài ra bạn nên dùng giấy vệ sinh để nhấn nút xả và mở cửa phòng vệ sinh, vì nút xả và nắm đấm cửa đều rất bẩn, chứa nhiều vi khuẩn. Đừng biến việc rửa tay trở thành vô ích!

Nguyên tắc 3: Nếu gặp nhà vệ sinh công cộng quá bẩn, hãy tìm nơi khác. Lý do đơn giản là dù nơi đó không khiến bạn mắc bệnh, thì cũng rất nặng mùi!

Rửa tay sạch không dễ (Ảnh: Internet)

Như vậy nếu làn da hoàn toàn lành lặn, thì việc phủ giấy vệ sinh hay không cũng không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên bạn vẫn nên giữ thói quen này nếu điều đó khiến bạn an tâm hơn và không phiền lòng, hoặc với mục đích giữ ấm trong mùa lạnh. Ngược lại nếu hành động này làm cho bạn cảm thấy phiền phức, tốn thời gian thì bạn hoàn toàn có thể bỏ qua.

Cuối cùng bạn hãy nhớ đậy nắp bồn cầu khi xả nước và tuân theo 3 nguyên tắc vệ sinh đơn giản nói trên nhé!

Đại Hải

Xem thêm:

Exit mobile version