Đại Kỷ Nguyên

Phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ em thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu

Nghiên cứu của nhà khoa học thuộc trường Đại học Warwick ở Convetry, Anh đã mở ra hy vọng phát hiện sớm cũng như có biện pháp đẩy lùi chứng tự kỷ ở trẻ.

Theo Reuters, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Warwick ở Convetry, Anh tiến hành nghiên cứu trên 38 đứa trẻ bị chẩn đoán rối loạn tự kỷ và một nhóm khác gồm 31 trẻ bình thường độ tuổi từ 5-12.

Ảnh minh họa.

Kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu máu và nước tiểu từ hai nhóm được cung cấp cho một thuật toán giúp hỗ trợ sản xuất ra một phương trình toán học nhằm phân biệt giữa nhóm trẻ tự kỷ và nhóm bình thường.

Tiến sĩ Naila Rabbani, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Phát hiện của chúng tôi có thể giúp chẩn đoán và can thiệp sớm hơn bệnh tự kỷ. Chúng tôi hy vọng các bài kiểm tra cũng sẽ tiết lộ những yếu tố gây bệnh mới”.

Nghiên cứu đã chỉ ra, các tế bào màng cứng của họ đáp ứng các cuộc tấn công từ virus hoặc chất gây ô nhiễm. Phản ứng này được gọi là “phản ứng nguy hiểm tế bào” (CDR), là một cơ chế phòng thủ chung cho phép tế bào chờ sự nguy hiểm vượt qua. Tự kỷ được cho là phát triển trong thời thơ ấu, khi các tế bào có thể trở nên “mắc kẹt” trong chế độ này.

Trước đó, nghiên cứu của trường Đại học Warwick kết hợp với các trường đại học ở Bologna, Birmingham công bố trên tạp chí Molecular Autism đã đưa ra một mối liên hệ giữa những rối loạn phổ biến về tự kỷ và những thiệt hại đối với protein trong huyết tương.

Theo số liệu của trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 1/68 trẻ em ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi rối loạn tự kỷ. Trong đó, tỉ lệ trẻ tự kỷ ở bé trai cao gấp 4 lần ở các bé gái.

Tại Anh, tỉ lệ trẻ em bị tự kỷ là khoảng 1/100. Mặc dù vậy, nguyên nhân gây chứng tự kỷ vẫn chưa được khoa học hiểu rõ hoàn toàn.

Trẻ em bị tự kỷ (ASD) được tìm thấy có mức độ oxy hóa cao hơn được gọi là dityrosine (DT) và một hợp chất được gọi là sản phẩm cuối glycation tiên tiến (AGEs).

Các rối loạn về tự kỷ chủ yếu ảnh hưởng đến tương tác xã hội, và có thể bao gồm một số vấn đề về hành vi, rối loạn ngôn ngữ, hành vi cưỡng bức, hiếu động, lo lắng và khó thích nghi với môi trường mới…

Tiến sĩ Rabbani hy vọng rằng các thử nghiệm tiếp theo sẽ tiết lộ các hợp chất có khả năng gây hại hơn, điều này sẽ giúp “nâng cao chẩn đoán ASD và giúp tìm ra những nguyên nhân gây bệnh mới”.

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu hiện vẫn còn phải tiến hành thêm các phân tích khác trước khi đưa xét nghiệm tự kỷ phổ biến trong công chúng.

Phương Nam

Exit mobile version