Đại Kỷ Nguyên

Phải làm gì khi phát hiện người bị ngất?

Ngất là trạng thái mất ý thức đột ngột, thoáng qua làm người bất tỉnh, da tái nhợt. Phổi không thở hoặc như người ngạt thở. Tim không đập hoặc đập rất chậm và khẽ. Ngất liên quan đến tình trạng thiếu oxy não lan tỏa tạm thời.

Ngất thường gặp ở người cao tuổi có các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường hoặc những người có huyết áp thấp, thiếu máu. Ngất có thể xảy ra đột ngột lúc bệnh nhân đang ăn, chơi thể thao, đi lại, tắm rửa hoặc ngồi nghỉ, … Khi thấy một người đang đi ngoài đường ngất xỉu, bạn cần lại gần và làm theo các bước ABCD sau đây:

Lay gọi xem bệnh nhân có tỉnh hay không. Nếu bệnh nhân đang ở nơi nguy hiểm như ngoài đường, nơi làm việc, … cần đưa bệnh nhân vào chỗ râm, thoáng mát, di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng.

A (Air): Khai thông đường thở như cởi mũ bảo hiểm, cởi nút áo, tháo thắt lưng quần cho bệnh nhân dễ thở

Ngửa cổ, mở miệng bệnh nhân xem có vướng dị vật gì trong miệng không, nếu có lấy ra và giúp khai thông đường thở. Cần lưu ý bệnh nhân không có chấn thương cổ mới được làm vậy.

B (Breathing): Xem nhịp thở bệnh nhân có đều không, nếu không đều cần tiến hành hô hấp nhân tạo

Vừa để tai sát miệng cảm nhận hơi thở, vừa để tay trên ngực để cảm nhận lồng ngực có di động theo nhịp thở không, tim có đập không?

C (Circulation): Bắt mạch tay có đập không, sờ tim có đập không, hoặc dễ nhất là bắt mạch ở cổ (động mạch cảnh) xem có đập không. Nếu phát hiện vết thương đang chảy máu cần băng garo lại để máu ngừng chảy.

Động mạch cảnh có đập không?

D (Disability) đánh giá sự tổn thương thần kinh của bệnh nhân bằng cách: hỏi tên tuổi (sự tỉnh táo), nếu bệnh nhân mê thì có mở mắt không, có cử động được tay chân không

D cũng là Drug: xem xung quanh hay trên người bệnh nhân có loại thuốc nào hay không. Đem theo cho bác sĩ gần nhất để xử trí kịp thời trong trường hợp bị tai biến do dùng thuốc.

Bảng cấp cứu ABCD này có thể áp dụng trong các trường hợp tai nạn té ngã, đa chấn thương ngoài đường, …

Khi bệnh nhân tỉnh, cần quan sát bệnh nhân theo thứ tự FAST. Các triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân có ngất.

F (Face): Mặt có bị méo như méo miệng một bên

A (Arm): Hai tay có giơ lên cùng lúc được không

S (Speech): Bệnh nhân có nói chuyện rõ ràng không, hay giọng bị lơ lớ, bạn hỏi vài câu xem bệnh nhân hiểu được không

T (Time) Nếu bệnh nhân có 1 trong các triệu chứng trên, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Nếu có sẵn aspirin trong tủ thuốc gia đình, bạn có thể cho bệnh nhân uống ngay lập tức 325 mg aspirin rồi đưa tới bệnh viện.

Ngất là một trong những hội chứng lão hoá nguy hiểm thường gặp ở người già. Nếu một ngày bạn thấy người thân hay cụ già nào bị các dấu hiệu trên, nên đưa tới bệnh viện ngay lập tức để tầm soát các nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu não. Xác suất của bệnh lý tai biến mạch máu não thường xảy ra sau khi ngất cao, nếu không được xử trí kịp thời.

Thư Hùng

Xem thêm:

Exit mobile version