Đại Kỷ Nguyên

Nữ nhân viên ở Trung Quốc bị rách đôi thực quản vì chữa nghẹn bằng nước

Nghẹn thức ăn là tai nạn hay gặp trong bữa cơm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu uống nước chữa nghẹn, bạn có thể đối mặc với nguy cơ rách thực quản, chảy máu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Mới đây, kênh truyền hình Giang Tô đưa tin, cô Li (Thường Châu) đã mua bánh ngọt để ăn trưa. Vì ăn quá vội nên bị nghẹn, cô Li liền uống một ngụm nước lớn để cố gắng nuốt thức ăn.

Tuy nhiên, càng cố gắng nuốt, cô Li càng đau nhói ở cổ họng, xương ức, buộc phải nhập viện kiểm tra. Các bác sĩ chẩn đoán, cô có một vết rách dài 7 cm ở thực quản, gây chảy máu nghiêm trọng. Mức hemoglobin (huyết sắc tố) của cô cũng giảm nhanh chóng, phải phẫu thuật và truyền máu.

Nữ nhân viên ở Trung Quốc bị rách đôi thực quản vì chữa nghẹn bằng nước

Trước đó, tháng 11/2017, một nam thanh niên giấu tên (Giang Tô) vì muốn nhanh chóng quay trở lại công việc nên đã ăn tối vội vàng dẫn tới bị mắc nghẹn cơm. Ngay lập tức, anh uống ngụm lớn để chữa nghẹn. Ngay sau đó, anh chàng đã nhập viện vì vết rách lớn trong thực quản, theo Sohu.

Ảnh minh họa.

Thói quen xử trí nghẹn bằng cách uống/ăn thêm thứ gì đó để “chữa cháy” là cách làm của nhiều người. Tuy nhiên, PGS. Vu Đại Bình, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực (bệnh viện Bắc Kinh) cho biết, phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.

Thực quản chia làm 3 khu vực, cho phép thức ăn đi từ miệng xuống dạ dày và hoạt động như một bộ đệm của chức năng tiêu hóa. Nếu bạn ăn lượng thực phẩm thô và nhiều cùng một lúc sẽ dễ gây tắc nghẽn thực quản, cản trở hoạt động của đường tiêu hóa.

Uống nước hay canh làm “trôi” thức ăn tương đương với việc dùng bàn tay “khóa chặt” cổ họng, gây nôn, tăng áp lực tâm trương, ảnh hưởng đến thực quản. Trường hợp nguy hiểm hơn sẽ gây rách, chảy máu.

Cách xử lý khi bị nghẹn

Khi bị nghẹn, lập tức ngừng ăn, mọi người cần ngồi hơi cúi về phía trước, sau đó ho thật mạnh. Dòng khí tạo ra khi ho có tác dụng đẩy thức ăn ra ngoài, tạo khe hở để hô hấp. Dùng tay vỗ vào vùng lưng giữa hai xương bả vai.

(Nguồn clip: Nhịp sống 360)

Trường hợp, người bị nghẹn có dấu hiệu không thể nói chuyện, thở, hai tay nắm chặt vào cổ họng, sắc mặt xanh xao… cần thực hiện cách sơ cứu sau:

– Để người bị nghẹn hơi cúi thấp xuống, dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (phần giữa hai bả vai). Vỗ từng cái nhanh, dứt khoát, cường độ tăng dần qua mỗi lần vỗ.

– Nếu nạn nhân chưa đỡ, tiếp tục thực hiện phương pháp Heimlich: Hai tay nắm chặt, đặt dưới khung xương sườn, trên rốn, dưới ức. Đẩy mạnh vào bên trong với hướng lên trên để đẩy vật khiến nạn nhân bị nghẹn ra. Thực hiện đến khi dị vật thoát ra ngoài.

Mô phỏng phương pháp Heimlich.

Nếu thường xuyên bị nghẹn trong bữa ăn, bạn nên đến gặp bác sĩ để khám và điều trị. Đây có thể là triệu chứng của bệnh lý như ung thư, hẹp, viêm thực quản…

H.H

Exit mobile version