Đại Kỷ Nguyên

Chất giảm đau Diamorphine trong bệnh viện là heroin cực mạnh, tại sao không ai bị nghiện?

Mọi người tin rằng thuốc phiện gây nghiện và khi bạn bắt đầu dùng chúng, thì sau một khoảng thời gian nhất định bạn sẽ trở nên nghiện vì các tác động hóa học lên hệ thần kinh của chúng ta, phải không? Câu trả lời là không nhất thiết như vậy.

Ví dụ, nếu bạn bị gãy xương hông, bạn sẽ phải đến bệnh viện để điều trị. Và bạn sẽ được tiêm diamorphine cả tuần hay thậm chí cả tháng. Diamorphine chính là heroin. Thực tế thì nó là loại heroin mạnh hơn bất kỳ loại nào bạn mua ngoài đường, vì nó không chứa tạp chất. Ngay lúc này, có những người ở gần bạn hiện đang được dùng heroin chất lượng cao tại bệnh viện. Vậy thì họ cũng nên phải bị nghiện sau khi ra viện chứ? Trên thực tế đã có nghiên cứu kỹ lưỡng và không ai bị nghiện heroin khi ra viện.

Vậy tại sao họ không bị nghiện? Nhà báo Anh Johann Hari có những người thân bị nghiện và anh muốn nghiên cứu thêm lý do tại sao họ không thể thoát khỏi thói quen này, và những gì anh phát hiện sẽ làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của bạn về nghiện.

Lý thuyết về nghiện hiện tại một phần đến từ những thí nghiệm ở đầu thế kỷ 20. Họ đã đặt một con chuột trong một cái lồng kín và không bỏ gì trong đó ngoại trừ nước sạch và nước trộn với heroin. Trong phần lớn thời gian, con chuột chỉ uống nước có tẩm heroin cho tới chết.

Nhưng 70 năm sau đó, Bruce Alexander, một giáo sư tâm lý học tại Vancouver nghĩ rằng, hãy làm một “thiên đường cho chuột” trong lồng và cấp cho nó tất cả những gì nó muốn để làm nó hạnh phúc, do đó một “công viên chuột” đã được xây dựng, trong đó có đồ chơi, đường hầm, thức ăn, những con chuột khác và hai loại nước – một trộn với heroin và một là nước sạch. Ngạc nhiên thay, những con chuột chủ yếu uống nước sạch và hầu như không “động” đến nước tẩm heroin.

Điều này cho chúng ta thấy một quan điểm mới hoàn toàn về nghiện, liệu vấn đề có nằm ở thuốc hay ở nguyên nhân khác? Sau đó, họ muốn kiểm tra giả thuyết này trên con người, nhưng về mặt pháp lý thì điều này không thể thực hiện được. Tuy nhiên, có một điều tương tự đã xảy ra tại thời điểm đó, đó chính là cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong suốt cuộc chiến này, 20% số lính Mỹ đã bị nghiện heroin. Những người quay về Mỹ lo lắng rằng khi chiến tranh kết thúc sẽ có hàng trăm người nghiện heroin trên các đường phố. Nhưng điều này đã không xảy ra, 95% những người lính đã ngừng sử dụng heroin ngay khi họ trở về nhà mà không cần tới trung tâm cai nghiện hay quá trình điều trị cai nghiện nào.

Giáo sư Alexander bắt đầu suy nghĩ, nếu vấn đề thực sự không nằm ở thứ gây nghiện, vậy có thể là do “cái lồng” nơi bạn ở? Hay nói cách khác là sự thích nghi với môi trường xung quanh của bạn?

Một giáo sư khác, Peter Cohen cho rằng không nên gọi đó là nghiện, mà nên gọi là mối ràng buộc.

Những người có những mối quan hệ lành mạnh, công việc tốt, và một cuộc sống hạnh phúc không cảm thấy họ cần phải ràng buộc với những thứ gây nghiện này.

Bồ Đào Nha trước đây là đất nước có tình trạng nghiện ma túy tồi tệ nhất châu Âu, có đến 1% dân số nghiện ma túy vào năm 2000. Họ đã từng trừng phạt những người nghiện, bêu xấu, làm nhục, bỏ tù những người nghiện và tình trạng ngày một tệ hơn. Và đất nước này đã quyết định thay đổi, họ đầu tư vào xây dựng nhà ở, công ăn việc làm, phòng khám cho người nghiện, giúp người nghiện dần dần hòa nhập với xã hội thay vì cô lập và cách ly họ như trước đây, Theo Nhà báo Anh Johann Hari. Kết quả là giảm được 50% số lượng người tiêm chích ma túy trong cả nước.

Trong cuộc sống hiện đại đầy rẫy những cám dỗ, không chỉ có thuốc heroin gây nghiện, mà còn nhiều thứ gây nghiện khác như smartphone, facebook, ăn uống, shopping… mà có lẽ bạn cũng không nhận ra mình đang nghiện chúng.

Con người bẩm sinh đã dễ chịu nhận những ảnh hưởng, tác động của những thứ hiện hữu xung quanh, dễ dàng bị ràng buộc và kết nối. Khi chúng ta hạnh phúc, khỏe mạnh, chúng ta kết nối với những người xung quanh, nhưng nếu không thể, khi bị cô lập, chán nản, buồn bã, bị tổn thương, trạng thái tinh thần tiêu cực, chúng ta thường ràng buộc mình với một số thứ phụ diện có thể tạm thời làm vơi đi điều đó, như nghịch smartphone không ngừng nghỉ, chơi game v.v.

Khi chúng ta kết nối với mọi người xung quanh, kết nối với nền văn hóa truyền thống sâu sắc, kết nối với những thứ chính diện, chúng ta sẽ thoát khỏi được các mối ràng buộc xấu xa. Bởi vậy, tạo dựng những mối ràng buộc, kết nối lành mạnh, tích cực chính con đường thoát khỏi những ràng buộc xấu.

Đại Hải (tổng hợp)

Xem thêm:

Exit mobile version