Đại Kỷ Nguyên

Những bài thuốc hay từ cây hồng hoa mà ít người biết đến

Hồng hoa là loại cây mang lại nhiều tác dụng mà đặc biệt là đối với phụ nữ. Tuy nhiên loại hồng hoa này khác với loại hoa hồng mà chúng ta vẫn thường biết đến.

Cây hồng hoa có tên khoa học Carthamus tinctorius L., thuộc họ Cúc Asteraceae. Vị thuốc Hồng hoa là hoa phơi hay sấy khô của loại cây này. Người dùng cần tránh nhầm lẫn vị thuốc này với hoa hồng phơi sấy khô.

Cây có chiều cao từ 30 – 150cm, đầu hoa hình cầu, hoa mọc thành chùm; xuất hiện nhiều ở các tỉnh Hà Nam, Triết Giang, Tứ Xuyên (Trung Quốc), Hà Giang (Việt Nam). Hoa, quả, hạt là các bộ phận được dùng làm thuốc nhưng bộ phận dùng chủ yếu là hoa. Thông thường hoa được thu hái vào mùa hè, khi đã ngả sang màu đỏ cam, rồi được phơi khô trong bóng râm.

Hồng hoa được xếp vào nhóm thuốc hành huyết, có nhiều tác dụng đối với bệnh phụ nữ như có kinh đau bụng, bế kinh, kinh nguyệt không đều… hoặc các chứng huyết ứ, bầm tím do các nguyên nhân khác nhau.

Công dụng của Hồng hoa

Theo Đông y, Hồng hoa có vị cay, tính ôn (ấm), quy hai kinh Can và Tâm.

Hoạt huyết, thông kinh mạch và tán huyết ứ: Dùng trong kinh nguyệt không đều, bế kinh; có kinh đau bụng, huyết ứ thành cục; phụ nữ sau sinh máu ứ đọng, bụng chướng đau; chấn thương sau ngã bị sưng đau hay bầm tím. Người xưa có dùng kết hợp Quế chi để đẩy thai lưu ra khỏi bụng.

Hồng hoa có tác dụng hoạt huyết điều kinh, thông kinh mạch, tán huyết ứ. (Ảnh: lokanathablog.wordpress.com)

Nhuận tràng thông tiện: Hạt của Hồng hoa làm thuốc nhuận hạ trong trường hợp táo bón. Khi dùng thường sao qua trước. Ngoài ra, Hồng hoa còn được dùng trong viêm phổi và viêm dạ dày.

Một số bài thuốc từ Hồng hoa

Bài 1: Sách Kim Quỹ Yếu Lược có bài thuốc, lấy một lạng Hồng hoa sắc với 1 lít rượu còn lại một nửa, uống tới khi nào bệnh khỏi, trị các bệnh phong, hành kinh đau bụng.

Bài 2: Dùng Hồng hoa ngâm rượu bôi ngoài đối với trường hợp xuất huyết dưới da, sưng do bị va đập hoặc căng cơ bắp mạn tính.

Bài 3: Trà Hồng hoa

Nguyên liệu: Hồng hoa 2g, Đào nhân 5g

Cách làm: Đào nhân đập vỡ cho vào túi lọc cùng Hồng hoa. Hãm với nước sôi khoảng 20s, sau đó bỏ bã và uống.

Tác dụng: Hoạt huyết, tán vết bầm tím, cải thiện tình trạng chậm kinh và kinh nguyệt ra ít, đặc biệt có lợi cho tiêu hoá.

Bài 4: Cháo Hồng hoa

Nguyên liệu: Hồng hoa 10g, Gạo tẻ một cốc (khoảng 100g gạo)

Cách làm: Hồng hoa sắc với 4 bát nước, đun lửa to, đun sôi khoảng 10 phút, lọc lấy nước. Gạo vo sạch, cho nước Hồng hoa vào đun lửa to, khi sôi vặn lửa bé để cháo không bị trào ra ngoài, trong khoảng 20 phút, tắt bếp dùng nóng.

Tác dụng: Cải thiện tình trạng bế kinh; phụ nữ sau sinh máu ứ đọng, bụng chướng đau.

Cháo Hồng hoa có tác dụng cải thiện tình trạng bế kinh. (Ảnh: cnkang.com)

Bài 5: Canh Sinh hoá

Nguyên liệu: Ích mẫu 50g, Đương quy 30g, Xuyên khung 20g, Đỗ trọng sao 30g, Đào nhân 20g, Hồng hoa 10g, Cam thảo sao 10g, Gừng sao 10g.

Cách làm: Thêm vào hỗn hợp 5 bát nước, đun sôi, vặn nhỏ lửa, khi nước còn khoảng 2 bát thì chắt ra, giữ ấm, chia 3 lần, uống trong ngày.

Tác dụng: Giúp sản phụ loại bỏ hết khí hư bài tiết sau sinh.

Chú ý:

Hồng hoa thường được dùng với liều nhỏ từ 4 – 12g sẽ có tác dụng hoạt huyết, dưỡng huyết; nếu dùng liều lớn thì lại gây ra tác dụng phá huyết.

Không nên dùng Hồng hoa cho phụ nữ có thai do tác dụng gây co bóp tử cung của vị thuốc. Phụ nữ kinh nguyệt lượng nhiều cũng tránh sử dụng.

Nước sắc Hồng hoa có tác dụng hạ huyết áp.

Mộc Chi

Exit mobile version