Đại Kỷ Nguyên

Nhận diện thực phẩm ngày Tết gây nóng trong và làm xấu da

Da xấu, thô, có biểu hiện lão hóa, mọc mụn… thường là kết quả của một nếp sống không hài hòa, ít vận động và ăn uống không cân bằng, đặc biệt là do ăn nhiều đồ gây nóng trong.

Dịp Tết là cơ hội gặp các thực phẩm thuộc loại này càng nhiều. Một vài nguyên tắc đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn có thể nhận biết và “hóa giải” được các loại đồ ăn làm hại làn da của mình.

Thông thường các loại thực phẩm gây nóng trong có thể được nhận diện với đặc điểm là “quá” so với cảm nhận của vị giác lúc bình thường, hoặc là bị mất đi tính quân bình vốn có lúc ban đầu. Ví dụ: thực phẩm quá ngọt, quá chua, quá cay, quá mặn, quá béo, chứa chất kích thích…

Quá ngọt

(Ảnh: wiki)

Đồ ăn quá ngọt như kẹo, bánh, mứt, nước giải khát có gaz hoặc không gaz…có thể cung cấp nhiều năng lượng nhưng hoàn toàn không có vitamin, nghèo khoán chất, nghèo dinh dưỡng. Chúng không những gây nóng trong, làm bạn dễ nổi mụn, tăng nhanh sự lão hóa của da, mà còn thúc đẩy tăng cân, béo phì. Trái cây quá ngọt như xoài, mít…cũng thuộc loại có thể gây nóng trong.

Quá chua

(Ảnh: phununet)

Các loại dưa chua, hành chua, đồ dầm giấm…có thể tác động không tốt đến hệ tiêu hóa, đặc biệt đến người bị đau dạ dày, viêm loét tá tràng. Khi ăn những loại này chỉ giống như điểm qua, tạo thêm hương vị cho bữa ăn, hoặc nên ăn cùng các loại thực phẩm khác.

Quá cay, quá mặn

Ớt, tiêu, sa tế, thịt xông khói, phô mai dây…là các loại thực phẩm dễ kích thích hệ tiêu hóa, đồng thời là tác nhân gây nóng trong.

Quá béo

(Ảnh: baokhanhhoa)

Các món ăn quá béo như khoai tây chiên, bánh chưng rán, đồ ăn chiên rán…làm cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng. Lượng dầu mỡ cao có thể làm hệ tiêu hóa quá tải, nhiều năng lượng nhưng lại thiếu các dưỡng chất khác để cơ thể hoạt động hài hòa.

Chứa chất kích thích

Đồ uống có cồn (rượu, bia) hoặc một loại chất kích thích nào đó như, cafein…đều dễ dầu độc cơ thể, gây mất nước, cần hạn chế dùng các loại thực phẩm này.

Trong các bữa tiệc ngày Tết, thật khó để tránh không gặp phải các thực phẩm nói trên. Nếu bạn vẫn phải ăn thì nên dùng kết hợp với các đồ ăn khác nhẹ nhàng hơn, ví dụ: rau xanh, trái cây nhiều nước, các món canh, uống nhiều nước, ăn các loại đồ ăn có tính thanh nhiệt (dưa leo, bí đao…). Như vậy sẽ hóa giải được tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe do các đồ ăn “quá” kia mang lại.

(Ảnh: internet)

Hạ Nhật

Exit mobile version