Đại Kỷ Nguyên

Nguy hiểm hội chứng ‘sảng run’, nắm vững để đề phòng và xử trí

Sảng run – Hội chứng cai rượu là biến chứng trầm trọng thường gặp ở người nghiện rượu sau khi ngừng uống đột ngột từ một đến vài ngày. Bệnh nhân rơi vào tình trạng lú lẫn, kích động, bị ảo giác, đổ mồ hôi nhiều, co giật, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, run nặng, có thể sốt nhẹ. Thường xuất hiện sau 48-72 giờ ngưng uống rượu.

TS Lê Văn Tuấn, khoa thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM cho biết hội chứng cai rượu (tiếng Anh là alcohol withdrawal syndrome) xảy ra khi một người uống rượu hay các chất có cồn nhiều trong một thời gian dài, sau đó ngưng hay giảm đột ngột lượng rượu đang uống.

Đã có rất nhiều trường hợp nguy kịch vì hội chứng cai rượu. Điển hình trường hợp mới đây của ông N.D. 63 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, Tp.HCM cho biết: “Mình uống rượu nhiều đã chục năm nay. Nhiều lần người nhà kêu ngưng uống thì mình cũng ngưng nhưng được vài hôm thì thấy rất bứt rứt khó chịu, cảm giác bủn rủn tay chân, không còn sức lực làm việc gì nên phải… uống lại. Cứ vậy muốn cai mà không làm được”, theo Tuổi Trẻ. Ông D. được các bác sỹ chẩn đoán mắc hội chứng cai rượu ở mức độ nhẹ.

Sảng run do rượu có thể gây tử vong

Hội chứng cai rượu – Sảng run là gì?

Sảng run – Hội chứng cai rượu là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người nghiện rượu, thường xảy ra sau khi bệnh nhân ngừng uống đột ngột từ một đến vài ngày.

Bệnh nhân không còn tỉnh táo, lú lẫn, kích động, bị ảo giác, đổ mồ hôi nhiều, co giật, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, run nặng, có thể sốt nhẹ. Thường xuất hiện sau 48-72 giờ ngưng uống rượu.

Nguy cơ sảng run đặc biệt cao ở người già, người bị bệnh gan hay bệnh cấp tính khác.

Triệu chứng

Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 đến 48 giờ với nhiều biểu hiện phong phú.

Rối loạn ý thức kiểu mê sảng: Bệnh nhân mất năng lực định hướng không gian và thời gian như không phân biệt hay lẫn lộn về thời gian, không phân biệt sáng – chiều, nhầm lẫn ngày, giờ, tháng, năm.

Bệnh nhân lẫn lộn về không gian, không biết mình ở đâu, vào nhầm phòng… Có lúc họ nhận ra người thân, lúc lại không nhận ra; bị mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng. Người bệnh luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi căng thẳng, ánh mắt ngơ ngác, nhìn nhưng không thấy, lúc hoảng hốt lúc kinh ngạc.

Đặc biệt, bệnh nhân thường có các ảo giác thị giác như nhìn thấy rắn rết, hổ báo, ròi bọ lúc nhúc xung quanh mình, đôi khi có ảo thanh như nghe thấy tiếng nhiều người bàn bạc bao vây đe dọa mình…

Bệnh nhân thường có ảo giác. (Ảnh minh hoạ)

Họ phản ứng lại bằng cách bỏ chạy, nhảy qua cửa sổ hoặc đóng cửa chặt, chui xuống gầm giường, có khi cầm dao, cầm gậy chống lại; rất nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Các rối loạn về thần kinh: Nhiều người bệnh có hiện tượng chân tay run lập cập (nhất là khi cầm vật gì đó như chén nước, đôi đũa), run cả môi, lưỡi gây nói lắp bắp ngắc ngứ, run cả thân mình (thấy rõ nhất là khi ta đặt tay vào người bệnh nhân).

Bệnh nhân đi loạng choạng, chân nam đá chân chiêu, kèm theo chuột rút hai chân, rất dễ vấp ngã gây chấn thương sọ não, gãy xương, vỡ tạng…

Nặng hơn, bệnh nhân còn lên cả cơn co giật như động kinh. Hơn nữa, người bị sảng run còn có các rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng như ra mồ hôi đầm đìa như tắm ngay cả khi nghỉ ngơi, khát nước, da tái, kém đàn hồi, đái ít, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng, sốt, tim đập nhanh, huyết áp không ổn định…

Điều trị

Một số rất ít trường hợp sảng run tự thuyên giảm sau vài ngày. Trường hợp nặng nếu không được điều trị sẽ tiến triển xấu, gây rối loạn (về ý thức, thần kinh thực vật, chuyển hóa…) gây tử vong.

Do đó, người bệnh khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ cần phải nhập viện để điều trị và ngăn bệnh phát triển.

– Điều trị nâng đỡ thường bao gồm truyền dịch, cung cấp các chất dinh dưỡng và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn.

– Bệnh nhân thường bị thiếu nước nhiều, nếu không có chống chỉ định thì thường cần truyền lượng dịch nhiều đủ để duy trì lượng nước trong cơ thể.

– Trong giai đoạn sớm của hội chứng cai rượu thì thường bệnh nhân không được cho ăn uống đường miệng vì bệnh nhân có thể bị nôn ói và gây ra viêm phổi do hít phải các chất trong dạ dày.

Phương Nam

Exit mobile version