Đại Kỷ Nguyên

Người trên 40 tuổi cần biết: 6 chỉ số đánh giá tình trạng sức khỏe

Mốc 40 tuổi rất quan trọng với sức khỏe của đa số mọi người, từ đây bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lão hóa rõ rệt và nguy cơ bệnh tật phát tác. Ngoài huyết áp và nhịp tim, bạn cần chú ý thêm đến những chỉ số khác như lượng cholesterol, chỉ số protein phản ứng C, kích thước vòng eo…

Cơ thể của con người qua quá trình vận hành lâu năm cũng như các cỗ máy dùng lâu thì rất cần được bảo trì. Dưới đây là 6 chỉ số mà người trên 40 tuổi nên quan tâm để giữ gìn sức khỏe của mình, theo Lifehack.

1. Huyết áp

Huyết áp là chỉ số hàng đầu mà người trên 40 tuổi cần quan tâm. (Ảnh: Uebe.vn)

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể, thể hiện bằng 2 chỉ số: huyết áp tâm thu (số trên) và huyết áp tâm trương (số dưới). Mức huyết áp lý tưởng nhất cho người đứng tuổi là 115/75 mmHg. Bạn nên đi gặp bác sĩ nếu huyết áp tâm thu vượt quá 140 mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương đạt 90 mgHg, vì đây chính là dấu hiệu của cao huyết áp.

2. Nhịp tim nghỉ ngơi

(Ảnh minh họa: ViCare)

Thông thường, cơ thể lúc đang thư giãn sẽ có nhịp tim chậm hơn khi đang hoạt động. Trong điều kiện nghỉ ngơi, một trái tim khỏe mạnh đập khoảng 60 nhịp/phút. Nhịp tim cao hơn mức này có thể cảnh báo huyết áp cao và các bệnh tim mạch.

3. Cholesterol

(Ảnh: ehospital.vn)

Cholesterol biểu thị mỡ có trong máu. Như mọi chất khác, cơ thể chúng ta cần một lượng mỡ nhất định nhưng không quá nhiều. Cholesterol được chia ra làm 2 loại: LDL hay còn gọi là chất béo có hại, và HDL là chất béo có ích.

Trung bình, mức LDL an toàn là dưới 100mg/dL. Đối với người bình thường không có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, chỉ số có thể rơi vào khoảng 100 – 129mg/dL. Bệnh nhân bị bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp nên giữ LDL dưới 70mg/dL. Lượng cholesterol có hại sẽ là quá cao nếu vượt 190mg/dL. Ngược lại với LDL, lượng cholesterol có ích nên được giữ ở mức cao vừa phải. Chỉ số HDL lý tưởng là 60mg/dL và sẽ bị cho là quá thấp nếu không đạt 40mg/dL ở nam giới và 50mg/dL ở phụ nữ.

4. Đường huyết

Đường huyết là đo lượng glucose có trong máu. Đây chính là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Chỉ số đường huyết thường dao động và tăng lên sau khi ăn uống. Lượng glucose quá cao trong một thời gian dài sẽ gây hại đến mạch máu, thận, mắt và hệ thần kinh.

Chỉ số đường huyết bình thường là dưới 100mg/dL. (Ảnh: soha.vn)

Một người khỏe mạnh sẽ có glucose dưới 100mg/dL và không thấp hơn 40mg/dL. Để chắc chắn hơn về lượng đường trong máu cũng như nguy cơ tiểu đường, bạn có thể xét nghiệm HbA1C. Chỉ số này là an toàn nếu không vượt quá 7%.

5. Protein phản ứng C

Xét nghiệm máu để kiểm tra CRP. (Ảnh minh họa: bệnh viện đa khoa hoàng an)

Protein phản ứng C (CRP) đánh giá mức độ viêm nhiễm trong mạch máu. Người sau 40 tuổi rất nên chú ý vì CRP cao có thể dẫn đến tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim mạch. Kiểm tra máu sẽ giúp bạn xác định được chỉ số này trong cơ thể. Lượng CRP lý tưởng là dưới 1.0mg/dL, nếu trên 3.0mg/dL là có xảy ra viêm nhiễm ở đâu đó trong cơ thể.

6. Vòng eo

Ngoài cân nặng và chỉ số BMI, vòng 2 cũng báo hiệu tình trạng sức khỏe. Theo cách chuyên gia, tốt nhất là kích thước eo không vượt quá 50% chiều cao. Như vậy, nữ giới cao 1,6 m nên giữ eo dưới 80 cm, còn phái mạnh cao 1,7 m không nên để quá 85 cm. Vòng 2 quá khổ có thể sẽ dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường và huyết áp cao.

Tất cả những chỉ số trên bạn có thể kiểm tra được thông qua yêu cầu khám sức khỏe toàn thân. Mỗi năm có thể đi kiểm tra ít nhất là 1 lần để phát hiện các nguy cơ có thể gặp.

Theo VNExpress
Yến Dương

Exit mobile version