Đại Kỷ Nguyên

Người phụ nữ tiểu vương quốc Ả Rập thức dậy sau cơn hôn mê gần 30 năm

Một vụ tai nạn xe hơi vào năm 1991 đã khiến cô Munira Abdulla rơi vào tình trạng hôn mê, nhưng con trai của cô không bao giờ mất hy vọng rằng một ngày nào đó mẹ mình sẽ tỉnh dậy.

Khi cô Munira Abdulla lái xe đưa con trai Omar, 4 tuổi, từ trường về nhà ở Al Ain (tiểu vương quốc Abu Dhabi) vào năm 1991, cô không thể lường trước được rằng mình sẽ không thể trò chuyện với con trai trong 27 năm tới.

Xe của họ va chạm với xe buýt trường học, khiến cô Abdulla bị chấn thương sọ não nghiêm trọng. Omar – được mẹ ôm trọn trước khi va chạm – đã thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc chỉ với một vết bầm tím ở đầu.

Cô Abdulla, 32 tuổi, lúc đó bị hôn mê và các bác sĩ tin rằng cô có thể sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, cô đã tỉnh lại trong một phòng bệnh ở Đức sau giấc ngủ dài đằng đẵng 27 năm. Gia đình cô nói với The National về chuyện họ đã trải qua, họ cho rằng đó là một phép lạ thời hiện đại, và cách cô thức dậy với một thế giới hoàn toàn khác.

“Tôi chưa bao giờ từ bỏ mẹ vì tôi luôn có cảm giác rằng một ngày nào đó mẹ sẽ thức dậy”, Omar Webair, 32 tuổi trả lời phỏng vấn của The National.

Cô Abdulla giờ đã có thể trả lời các câu hỏi (mặc dù khá khó khăn) và đọc những câu thơ từ Kinh Qur’an. Gần đây cô đã đến thăm Nhà thờ Hồi giáo Lớn Sheikh Zayed, nơi chưa được xây dựng khi cô bị thương.

Bà Munira Abdulla chụp ảnh tại Nhà thờ Hồi giáo Lớn Sheikh Zayed. (Ảnh: Khushnum Bhandari for The National)

“Lúc tôi 4 tuổi tai nạn đã xảy ra, chúng tôi từng sống ở Al Ain. Ngày hôm đó, không có xe buýt nào ở trường chở tôi về nhà. Khoảng 4 giờ chiều, bác rể đã lái xe chở mẹ tôi đến đón tôi. Hai mẹ con tôi ngồi ghế sau. Và khi mẹ nhìn thấy tai nạn sắp xảy ra, mẹ đã ôm trọn tôi vào lòng để tránh cú va chạm khủng khiếp này… Không có điện thoại di động nên không thể gọi xe cứu thương. Mẹ tôi đã bất tỉnh tại chỗ trong nhiều giờ”, Anh Omar chia sẻ.

Nhưng may mắn thay, cô được một người Anh phát hiện và đưa đến trung tâm y tế ngày sau đó. Cô ấy hoàn toàn không phản ứng, không có nhận thức về môi trường xung quanh. Các bác sĩ chẩn đoán cô rơi vào trạng thái ý thức tối thiểu. Cô đã được chuyển đến một bệnh viện ở Al Ain và ở lại trong vài năm. Tại đây cô được cho ăn qua ống sonde và trải qua vật lý trị liệu để ngăn chặn teo cơ.

Từ đó, các chuyến thăm mẹ đã trở thành một phần trong thói quen hàng ngày của Omar. Mặc dù, gặp khó khăn trong công việc, nhưng anh vẫn luôn dành thời gian ở bên mẹ. Anh sẽ đi bộ vài cây số để gặp mẹ và ngồi bên mẹ hàng giờ.

“Đối với tôi, mẹ giống như vàng vậy. Thời gian trôi qua càng lâu, mẹ càng trở nên có ý nghĩa rất lớn. Tôi không bao giờ hối tiếc về điều đó. Tôi tin rằng, vì sự ủng hộ của tôi dành cho mẹ, Chúa đã cứu tôi khỏi những rắc rối lớn hơn”, anh Omar nói.

Cô Abdulla đã dành nhiều năm trong bệnh viện các tiểu vương quốc Ả Rập, di chuyển từ nơi này sang nơi khác vì những hạn chế về bảo hiểm. Vào tháng 4/2017, Tòa án Thái tử đã nghe về câu chuyện của cô và trao cho gia đình một khoản trợ cấp trong một chương trình đa ngành toàn diện ở Đức.

Tại Đức, cô Abdulla đã phẫu thuật để điều trị các cơ bắp chân tay bị yếu. Các bác sĩ ưu tiên vật lý trị liệu và kiểm soát chứng động kinh của cô.

Tiến sĩ Ahmad Ryll, nhà thần kinh học của bà Abdulla ở Đức, cho biết: “Cô ấy dường như có nhận thức được những người xung quanh”.

Anh Webair nói: Tôi đã nói với các bác sĩ rằng tôi đang rất mong đợi mẹ tôi bắt đầu nói chuyện trở lại. Và họ nói với tôi rằng ‘Anh đừng nghĩ những chuyện không tưởng nữa. Chúng tôi chỉ đang phục hồi chức năng để khắc phục chất lượng cuộc sống cho bà ấy mà thôi’.

Tuy nhiên, tháng 6 năm ngoái, trong tuần cuối cùng của cô Abdulla ở Đức, điều bất ngờ đã xảy ra. Giường bệnh của cô Abdulla phát ra những âm thanh kỳ lạ và con trai cô liên tục gọi các bác sĩ đến khám. Nhưng họ nói mọi thứ đều bình thường.

“Ba ngày sau, tôi thức dậy khi nghe thấy ai đó gọi tên của mình. Đó là mẹ. Bà ấy đang gọi tên tôi. Tôi đã không thể kiềm chế được niềm vui của mình. Trong nhiều năm tôi đã mơ về khoảnh khắc này, và tên của tôi là từ đầu tiên mà mẹ nói”, Anh Webair xúc động kể lại.

Cô Abdulla gọi tên anh chị em của mình – những người mà cô mong đợi sẽ ở bên. Theo thời gian, cô Abdulla trở nên nhanh nhạy hơn. Bây giờ cô ấy có thể nói cho mọi người biết cô cảm thấy đau ở đâu. Cô ấy thỉnh thoảng đánh thức con trai dậy để đọc kinh sách. Một khi con trai bắt đầu với lời cầu nguyện, cô ấy sẽ đọc câu tiếp theo.

Cô Abdulla tiếp tục được điều trị tại Abu Dhabi. Một báo cáo từ Bệnh viện Mafraq tháng trước cho thấy rằng cô ấy hiện đang có thể giao tiếp một cách rất tốt, đặc biệt là trong các tình huống quen thuộc.

“Tôi đã chia sẻ câu chuyện của mình để nói với mọi người rằng, đừng mất hy vọng vào những người thân yêu của mình. Không nên coi họ đã chết khi họ ở trong trạng thái như vậy. Trong suốt những năm đó, các bác sĩ nói với tôi rằng mẹ tôi là một trường hợp vô vọng và rằng tôi không nên tìm cách chữa trị cho bà. Nhưng bất cứ khi nào tôi nghi ngờ, tôi đặt mình vào vị trí của bà và làm bất cứ điều gì có thể để giúp bà cải thiện tình trạng”, anh Webair nói.

Duy Anh
Theo The National

Xem thêm:

Exit mobile version