Đại Kỷ Nguyên

Nên uống nước từ cây nước nóng lạnh hay từ ấm đun siêu tốc?

Ngày nay, hầu như mọi người đều uống nước từ cây nước nóng lạnh hoặc từ ấm đun siêu tốc cả khi ở nhà hay khi làm việc ở sở làm.

Giữa cây nước nóng lạnh và ấm đun siêu tốc thì thường người ta thích sử dụng cây nước nóng lạnh hơn bởi sự tiện dụng của nó. Nhưng cũng có một số người lại chuộng ấm siêu tốc, đun sôi nước lên rồi mới uống, vì họ cho rằng như thế nước mới thực sự sôi và tốt cho sức khỏe. Vậy rốt cuộc giữa cây nước nóng lạnh và ấm đun siêu tốc thì loại nào tốt hơn? Chúng ta cùng so sánh một số phương diện sau:

(Ảnh: Letu.life)

1. Nước nào thực sự là nước sôi?

Với cây nước nóng lạnh thì hầu như đều dùng nước đóng bình nhưng lại không biết nguồn gốc có thực sự sạch hay không. Hơn nữa, bởi vì cần cân nhắc đến vấn đề an toàn thiết bị điện (nhựa, gioăng cao su… ) nên cây nước nóng lạnh có rơle khống chế để nhiệt độ nước chỉ đạt đến khoảng 90°c thì ngắt điện, không bao giờ đạt đến 100°c. Do đó nước trong cây không đạt đến độ sôi 100%. Nếu như nguồn nước bên trong máy không sạch thì các loại vi khuẩn, virus viêm gan B, C sẽ không được loại bỏ hết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng.

Trong khi đó, nước trong ấm đun nước thực sự sôi thì ấm mới tự động tắt, vì vậy tỷ lệ vi khuẩn sống sót được cũng rất ít. Như vậy, loại nước này đảm bảo vệ sinh hơn, tốt cho sức khỏe hơn.

(Ảnh: Letu.life)

2. Vệ sinh thiết bị

Về phương diện vệ sinh thiết bị giữa cây nước nóng lạnh và ấm đun nước cũng khác nhau. Cây nước nóng lạnh với dung tích lớn hơn sẽ có nhiều “góc chết” hơn và thông thường mọi người ít để ý đến việc vệ sinh nó, thậm chí có khi đến 6 tháng mới vệ sinh một lần. Hơn nữa, nhiệt độ nước trong cây nóng lạnh không sôi đến 100% cho nên vi khuẩn sẽ đọng lại nhiều hơn, sau nhiều tháng sử dụng, vi khuẩn tích tụ lại càng nhiều hơn.

Đối với ấm đun nước thì dung tích nhỏ bé, dễ dàng vệ sinh, hơn nữa mỗi lần đun nước đều sôi đến 100°c thì vi khuẩn cũng gần như không còn. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng ấm đun nước được làm từ inox bởi vì nó sẽ không để lại mùi khó chịu trong nước như ấm bằng nhựa.

Nên sử dụng ấm đun nước được làm từ inox bởi vì nó sẽ không để lại mùi khó chịu trong nước như ấm bằng nhựa. (Ảnh: Letu.life)

Cho dù bạn sử dụng cây nước nóng lạnh hay ấm đun nước thì vẫn sẽ để lại cặn, đặc biệt là sử dụng nước ở những vùng có độ cứng cao thì càng nhanh để lại cặn trong bình. Nhưng so sánh ra thì cặn đọng lại trong cây nóng lạnh sẽ nhiều hơn trong ấm đun nước bởi vì việc tẩy trừ cặn trong cây nóng lạnh là không dễ dàng. Còn cặn đọng lại trong ấm đun nước, bạn chỉ cần dùng tay hay mảnh vải, đồ cọ rửa xoát nhẹ một vài lần sẽ sạch.

(Ảnh: Letu.life)

Tuy nhiên, có một số người e ngại rằng, nước trong ấm đun nước chưa thực sự sôi hẳn mà công tắc tự động đã tắt. Các nhà thiết kế đã kiểm nghiệm rằng, điều này là khó xảy ra trừ khi bạn mua phải sản phẩm kém chất lượng hoặc nước chưa sôi hẳn mà bạn đã rút phích điện ra rồi.

Để đảm bảo nhất, bạn nên dùng nguồn nước sạch đã được lọc để đun. Ngoài ra, nếu có ngân sách bạn cũng có thể xem xét mua một ấm đun nước nhiệt điện, để kiểm soát chính xác nhiệt độ sôi của nước.

Nếu như bạn đi làm ở cơ quan hay đi chơi đâu đó thì việc uống nước từ nguồn nào là mình khó chủ động được. Nhưng ở trong gia đình thì bạn hoàn toàn có thể chủ động được vấn đề này. Hãy cân nhắc lựa chọn cho mình thiết bị tốt, phù hợp nhất để đem lại nguồn nước đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho gia đình!

Theo Letu.life
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version