Đại Kỷ Nguyên

Nam bệnh nhân ở Hòa Bình nguy kịch chỉ vì một vết xước ở chân

Sau gần 2 tháng nằm viện trong tình trạng nguy kịch do mắc bệnh Whitmore, bệnh nhân Bùi Văn S. (51 tuổi, Hòa Bình) đã được các bác sĩ khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, bệnh nhân S. có tiền sử đái tháo đường tuýp 2, nhập viện do có một vết xước ở chân, kèm theo sốt cao, được chẩn đoán nhiễm trùng huyết.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh liều cao tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 12 ngày nhưng không đỡ. Sau thời gian nằm viện, bệnh nhân còn xuất hiện một ổ áp xe nên được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai.

(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Bác sĩ Nguyễn Quang Huy, khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày 2/7, bệnh nhân S nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm theo ổ áp xe ở đùi.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (melioidossis) – một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-40 độ C, khó thở tăng lên vì viêm đông đặc phổi lan toả, phải hỗ trợ hô hấp, thở oxy. Ngoài ra, các ổ áp xe vẫn lan rộng, ăn vào xương gây viêm, xét nghiệm cấy máu và mủ vẫn dương tính với vi khuẩn Whitmore.

Đến ngày điều trị thứ 37, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, bệnh nhân S. đã tỉnh táo, hết sốt. Sau gần 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Từ đầu năm 2018 tới nay, khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai, đã tiếp nhận khoảng 20 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn tụ cầu, liên cầu… Bệnh nhân phải dùng kháng sinh liều cao, kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3-6 tháng nữa.

Bác sĩ Cường cho biết, dù được chẩn đoán đúng, nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần, vô cùng nguy hiểm.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng như sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi…

Lan Phương

Exit mobile version