Đại Kỷ Nguyên

Mỹ: Giới khoa học rúng động vì con vi khuẩn mới phát hiện, ‘cơn ác mộng’ đang đến gần

Mới đây, một câu chuyện diễn ra khiến cả nước Mỹ, đặc biệt là các chuyên gia y tế hoang mang, liên quan đến việc phát hiện một loại siêu vi khuẩn. Một viễn cảnh bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhân chết dần vì hết thuốc trị đang lại gần hơn bao giờ hết.

Câu chuyện bắt đầu khi một phụ nữ sống tại Pennsylvania được xác nhận là nhiễm vi khuẩn E. coli mcr-1 có thể kháng lại colistin – vốn được xem như chiêu thuốc kháng sinh cuối cùng trong hàng rào phòng thủ.

Phát hiện này không mới đối với thế giới, nhưng lại là lần đầu tiên tại Mỹ và do đó nhận được nhiều quan ngại từ các chuyên gia nước này, như lời tuyên bố của giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ Tom Frieden: Đó là đoạn cuối của con đường dành cho kháng sinh, trừ phi chúng ta hành động khẩn cấp. Thông tin này nhanh chóng xuất hiện trên truyền thông với nhiều từ ngữ mạnh được dùng đến, xem như đó thực sự là ‘cơn ác mộng’.

Tại sao vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu về lịch sử của kháng sinh colistin.

Kháng sinh colistin được một nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra vào năm 1949. Tuy nhiên sau hơn 2 thập kỷ, colistin đã không còn được sử dụng vì đặc biệt độc đối với thận. Tại thời điểm đó chúng ta vẫn còn những kháng sinh hiệu quả mà không để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hiện nay thì colistin đã được “khai quật” và đưa vào sử dụng trở lại. Nguyên nhân là do tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn, các chiêu kháng sinh kia đã vị vi khuẩn vô hiệu hóa, và các bác sĩ không thể không dùng colistin để cứu bệnh nhân dù biết nó đặc biệt độc với thận.

Để điều trị các vấn đề viêm nhiễm, kháng sinh nhóm Carbapenem là một trong những tuyến phòng thủ cuối cùng của nhân loại. Chúng gồm 4 loại: Imipenem, meropenem, ertapenem và doripenem, là những kháng sinh beta lactam có phổ kháng khuẩn rộng nhất hiện nay. Các kháng sinh thuộc nhóm này có vai trò nhất định trong điều trị bao vây cũng như điều trị theo mục tiêu những trường hợp nhiễm khuẩn nặng và đa đề kháng, đặc biệt là những trường hợp đa đề kháng có liên quan đến trực khuẩn Gram âm và những thuốc khác không hiệu quả hoặc không phù hợp.

Vi khuẩn CRE đã kháng carbapenem và được xem như ác mộng và khiến một nửa số người mắc tử vong, người ta trông chờ vào colistin – chiêu thuốc cuối cùng. Nhưng hiện nay, ngay cả colistin đã trở nên vô hiệu.

Trường hợp với người phụ nữ tại Pennsylvania, cô thật may mắn đã bình phục do vi khuẩn mà cô nhiễm tuy kháng colistin song lại bị diệt bởi carbapenem. Nhưng điều khiến các nhà khoa học lo ngại hơn cả là khả năng xuất hiện một dòng vi khuẩn có thể kháng được cả hai loại kháng sinh này.

Nguyên nhân sâu xa của mối lo ngại nằm ở gen kháng kháng sinh colistin của vi khuẩn. Gen này nằm trên bộ nhiễm sắc thể “lỏng lẻo” và dễ truyền cho các vi khuẩn khác. Nếu gen này được truyền cho vi khuẩn kháng carbapenem thì siêu vi khuẩn kháng cả 2 loại kháng sinh colistin và carbapenem sẽ xuất hiện, khi đó mọi loại thuốc đều trở nên vô tác dụng.

Để dễ tưởng tượng, bạn hãy hình dung về trò chơi ghép hình, khi bạn ghép xong thì cũng là lúc siêu vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện. Tại Mỹ trước đây còn thiếu mảnh ghép. Nhưng người ta vừa phát hiện mảnh ghép cuối cùng trên người phụ nữ tại Pennsylvania. Vấn đề hiện nay chỉ là thời gian để sắp xếp các mảnh ghép thành một bức hình hoàn chỉnh, và SIÊU VI KHUẨN kháng thuốc xuất hiện.

Kịch bản ghép hình này đối với giới chuyên môn không còn xa lạ. Thực tế, câu chuyện tương tự đã diễn ra ở Trung Quốc, Châu Âu, Canada. Nội dung của nó khiến các nhà khoa học tin rằng kỷ nguyên hậu kháng sinh không còn xa nếu chúng ta không sớm hành động.

Vi khuẩn kháng thuốc là một quá trình diễn ra tự nhiên, con người không thể ngăn cản, mà chỉ có thể làm chậm quá trình đó, đồng thời cần phải tìm ra kháng sinh mới để dành chiến thắng trong cuộc đua. Tuy nhiên, sự lạm dụng kháng sinh trên người và đặc biệt là trong sản xuất chăn nuôi đang đẩy nhanh tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn. Thêm vào đó là việc phát triển kháng sinh mới đang bị đình trệ vì bài toán kinh doanh: lợi nhuận do kháng sinh đem lại không hấp dẫn bằng các sản phẩm khác.

Thực ra, nhiều chuyên gia đã cảnh báo điều này từ vài chục năm trước, thậm chí ngay khi kháng sinh mới xuất hiện. Tuy nhiên những người nghiêm túc suy xét đến điều này dường như không có mấy. Thực sự tham lam, tự tư cùng với thiếu hiểu biết đang làm cùn đi một vũ khí sống còn của nhân loại, khiến con người đang nhanh chóng thất thế trong cuộc chiến chống vi khuẩn.

Đại Hải

Xem thêm:

Exit mobile version