Đại Kỷ Nguyên

Mỗi tuổi một loại bệnh, làm thế nào để phòng ngừa?

Các chuyên gia sức khỏe đã tổng kết ra 5 “cửa ải” bệnh tật ứng với 5 giai đoạn tuổi thọ khác nhau, đồng thời cũng đưa ra cách để giúp mọi người vượt qua nó. Hãy cùng xem cụ thể 5 giai đoạn tuổi thọ và các bệnh liên quan dưới đây để có biện pháp phòng tránh tốt nhất!

1. Từ 30 – 50 tuổi xuất hiện các bệnh về dạ dày.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc của dạ dày lên đến 80% và còn có xu hướng tăng lên. Ngày nay, số lượng người trong độ tuổi 30 – 50 bị mắc các bệnh về dạ dày (khó tiêu, viêm dạ dày mãn tính, viêm loát đại tràng…) tăng cao, đặc biệt là những nhân viên văn phòng.

Chế độ ăn uống thất thường, ăn quá nhiều đồ nướng, sấy, ăn mặn, ăn cay, uống rượu…những thói quen xấu này sẽ phá hủy các chức năng bình thường của đường tiêu hóa, gây tổn hại nghiêm trọng đến niêm mạc dạ dày, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, và tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày. Vì vậy, ở độ tuổi này, mọi người nên đặc biệt chú ý bảo vệ dạ dày của mình.

Khuyến cáo

Ngoài tuân thủ chế độ ăn uống bình thường ra, cần chú ý nguyên tắc ăn 3 bữa/1 ngày là sáng, trưa, tối và buổi tối nên ăn ít. Nên ăn ít các món nướng, dưa chua, thức ăn chiên, bỏ thức ăn bị mốc, giảm hoặc bỏ uống rượu. Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh tươi, các món ngô khoai sắn, các thức ăn giàu chất xơ.

Ngoài ra cũng nên tăng cường kiên trì vận động theo thời gian biểu mỗi ngày.

Nếu như xuất hiện hiện tượng bụng khó chịu, đau bụng, đầy bụng sau khi ăn, chán ăn, giảm cân, phân đen và các triệu chứng khác thì nên đến bệnh viện khám kịp thời.

2. Từ 40 – 60 tuổi thường xuất hiện các bệnh về xương khớp

 Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, xương cốt của con người khỏe mạnh nhất là vào thời kỳ 20 – 40 tuổi. Qua 40 tuổi thì xương bắt đầu mòn và rơi vào quá trình lão hóa tự nhiên với tốc độ nhanh, làm loãng xương, xương giòn, dễ gãy.

Trên thực tế, từ 30 tuổi các khớp xương bắt đầu có biến đổi xấu nhất là đầu gối, xương hông, lưng, cổ, cột sống… rất dễ dàng bị đau, viêm hoặc thương tổn.

Đến 40 tuổi, xương sụn của con người sẽ suy giảm, khe hở giữa các khớp xương ngày càng hẹp hơn, thậm chí dần dần biến mất, Ở độ tuổi này bệnh thường gặp nhất là thoái hóa và viêm khớp, nó cũng là nguyên nhân gây đau đầu gối.

Khuyến cáo

Nên chú ý đến thể thao, đi bộ hay bơi lội nhưng tránh vận động quá mức, ngoài ra cũng nên phơi nắng nhiều hơn. Mặt khác, người ngoài 40 tuổi nên đi khám xương để có biện pháp phòng ngừa càng sớm càng tốt.

3. Từ 50 – 70 tuổi thường xuất hiện các bệnh về u

Ung thư là căn bệnh tập trung và gây khó dễ nhất cho người ở độ tuổi ngoài 50. Thuận theo tuổi tác tăng lên thì những người già bị mắc bệnh ung thư cũng ngày càng tăng lên theo. Ngoài ra, do ảnh hưởng của môi trường, khí hậu, cách sống không tốt, ăn uống không lành mạnh…cũng thêm vào làm bệnh ung thư tăng lên. Trên 50 tuổi, cơ thể bắt đầu suy giảm nồng độ hormone, làm giảm chức năng miễn dịch, giảm gien khống chế ung thư, cũng là nguyên nhân khiến ung thư gia tăng.

Khuyến cáo

Muốn phòng ung thư, nên đi khám kiểm tra sức khỏe từ trước độ tuổi 35, nhất là những người mà gia đình có tiền sử bị bệnh ung thư.

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng, đối với những người hút thuốc trên 10 năm nên dừng lại và đi kiểm tra CT. Những người bị bệnh dạ dày nên kiểm tra mỗi năm 1 lần. Đối với nam giới nên kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt, còn nữ giới nên kiểm tra ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

4. Từ 50 – 80 tuổi thường xuất hiện các bệnh về tim và đột quỵ

Rất nhiều người mà cơ quan thần kinh, tim và não của họ quanh năm phải chịu sức nặng, áp lực lớn, thêm vào đó là đủ loại thói quen xấu, lại không lưu ý bảo dưỡng nên đến 50 tuổi là xuất hiện nguy cơ đột quỵ. Ở độ tuổi này chứng béo phì và bệnh tim mạch, tắc nghẽn mạch máu não dễ dàng bị phát tác.

Khuyến cáo

Nên đặt chế độ ăn uống lên hàng đầu. Trước tiên nên ăn ít các loại thức ăn có hàm lượng muối, mỡ, đường cao. Đồng thời đừng ngồi hoặc nằm quá lâu, hãy đứng lên và vận động thân thể.

Ngoài ra, người ở độ tuổi trên 50 một khi cảm thấy tức ngực, khó thở, thể lực đột nhiên giảm sút, mệt mỏi cùng cực, thì nhất định không nên khiêng vác nặng và cần phải cảnh giác, đi đến bệnh viện khám xét, để không bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời.

5. Từ 70 -90 tuổi, xuất hiện các bệnh về trí nhớ

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, từ 65 tuổi tỷ lệ các bệnh về trí nhớ đang gia tăng, và tỷ lệ này cao tập trung ở độ tuổi 80 -90. Các yếu tố về cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, hút thuốc lá, uống rượu…đều là nguyên nhân dẫn đến bệnh mất trí nhớ, trí nhớ và sự sáng suốt bị giảm sút nghiêm trọng ở người già.

Khuyến cáo

Mọi người mặc dù không thể thay đổi được tuổi tác, giới tính, yếu tố di truyền nhưng chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ, thì sẽ không chỉ giúp họ bảo vệ và chống lại bệnh tim, đột quỵ, mà còn giảm bớt được bệnh về trí nhớ và sự gia tăng các bệnh khác.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu như đại não của con người càng hoạt động thì nó sẽ càng minh mẫn. Cho nên những người cao tuổi nếu có khả năng còn lao động trí óc thì hãy nên tiếp tục, vừa học tập, đọc sách, vừa thể dục là một cách tốt để bảo vệ sức khỏe, trí não.

Điều cần lưu ý là bệnh Alzheimer tương đối khó phát hiện. Vì vậy, con cháu nên để ý, nếu phát hiện cha mẹ thường xuyên quên những việc vừa nói xong hay những việc mới xảy ra gần đây, thì nên đưa cha mẹ đến khoa thần kinh để khám xét.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version