Đại Kỷ Nguyên

Vì sao 60 tuổi không mời rượu, 70 không ngủ lại, 80 không phần cơm?

Ảnh minh họa.

Người già như ngọn đèn trước gió vụt tắt lúc nào không hay, cách cư xử không chỉ cần tôn kính mà còn phải lưu tâm đến sức khoẻ tuổi già.

Tuy những câu tục ngữ đều được sáng tạo ra trong dân gian, nhưng vẫn có thể tìm thấy trong nó không ít đạo lý nhân sinh, đối với người đời sau đều rất có ý nghĩa. Câu tục ngữ “60 tuổi không mời uống rượu, 70 không ngủ lại, 80 không phần cơm”.

Các nước phương Đông đều rất chú trọng vào lễ nghi, bởi vậy đối với các mối quan hệ ở bên trong, dù chỉ là sơ giao, mời rượu, phần cơm, thậm chí là ngủ lại cũng đều rất được coi trọng. Nhưng vì sao tuổi càng cao thì cách đối đãi lại phải thay đổi?

Văn hóa uống trà và rượu của người xưa (ảnh: pinterest).

60 tuổi không mời uống rượu

Bởi vì các chức năng của cơ thể sau 60 tuổi sẽ bắt đầu lão hóa, những việc trước kia làm thấy nhẹ nhàng, thì bây giờ đã bắt đầu cảm thấy khó khăn.

Vì vậy, để giữ sức khỏe cho những người đã có tuổi, mọi người cũng không khuyến khích những người đã 60 tuổi uống rượu nữa, dù sao thì rượu cũng dễ gây tổn hại cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể, nhất là gan.

Từ khi nghỉ hưu, người 60 tuổi chuyển từ vai trò chính ngoài xã hội về với vai trò chính trong gia đình, vui hưởng đạo cùng trời đất. Trong cuộc sống nhàn nhã, họ thường hồi tưởng về những ký ức đắng cay ngọt bùi như một trải nghiệm đặc biệt trong mùa thu của đời người, những hơn thua được mất, bon chen danh lợi nay đã lắng xuống. Lúc này duy chỉ có sức khỏe là của bản thân mình. Vậy nên, giữ gìn chăm sóc sức khỏe cho mình, sống mạnh khỏe, hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất.

Người 60 tuổi phải sống thật mạnh khỏe, vui vẻ, điều này cũng là một sự cống hiến đối với xã hội. Ý nghĩa của sinh mệnh là nghĩ cho người khác nhiều hơn là đòi hỏi cho riêng mình. Khi bạn đã làm được thì cũng không còn gì phải nuối tiếc nữa.

Người già hay mắc chứng khó ngủ (ảnh: Niệm Thuần Việt).

70 không ngủ lại

Khi tuổi tăng lên, người đã qua 70 tuổi, tố chất thân thể lại càng kém đi. Nếu như ở lại nhà của người khác, một là hoàn cảnh chưa quen thuộc, dễ phát sinh vấn đề ngoài ý muốn, nếu ngủ lại buổi tối mà đột ngột qua đời, cũng sẽ mang lại rất nhiều phiền toái không cần thiết cho chủ nhà.

Đối với người độ tuổi này, cơm ăn không quan trọng cao lương mỹ vị hay đạm bạc đơn sơ, chỉ cần thấy ngon miệng là được. Phòng ốc không quan trọng lớn hay nhỏ, chỉ cần sống vui vẻ là được. Hãy làm những chuyện bản thân thấy hứng thú, đừng oán người, trách trời, trách đất, cũng đừng để tâm lo nghĩ quá mức tới người khác. Thấy sức khỏe suy giảm từng ngày cũng đừng hoảng hốt, thấy cái chết cận kề mỗi ngày cũng đừng khiếp sợ. Mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, tùy cảnh mà an.

Vui hưởng tuổi già, để phúc đức cho đời sau (ảnh: Flickr).

80 không phần cơm, 90 không giữ chỗ ngồi

70 tuổi, trước kia gọi là “xưa nay hiếm”, 80 tuổi là tuổi cao, 90 tuổi gọi là già cả. Một người có thể sống đến 80, 90 tuổi, lúc này thân thể càng thêm suy yếu, dạ dày cũng đã không phù hợp với những đồ ăn quá mặn, mà thường ở nông thôn khi mở tiệc chiêu đãi khách, đồ ăn lại rất phong phú. Vì để giữ gìn sức khỏe cho những người già này, nên mới có câu “80 không phần cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”.

Người 80 tuổi ăn uống không còn được là bao, răng yếu cũng không chỉ kén món ăn mà cách chế biến cũng phải phù hợp, thịt xé nhỏ ra cũng không nhất định nuốt trôi. Khi đã gần đến tuổi 100 thì ngồi lâu một chỗ cũng khó khăn, sự xuất hiện thoáng chốc của cụ cũng đã khiến con cháu phấn khởi. 

Mỗi giai đoạn trong đời người đều có những trải nghiệm riêng trong từng giai đoạn ấy. Chúng ta không nhất định cứ phải làm theo một thước đo hay một chuẩn mực nào đó. Nhưng mỗi một giai đoạn chúng ta đều nên có sự kỳ vọng về bản thân mình. Tệ nhất thì 10 năm một lần chúng ta cũng nên ngẫm nghĩ lại về bản thân. Những điều không thể quên chính là hồi ức, nhưng điều vẫn tiếp diễn là cuộc sống. Hãy sống hết mình mỗi ngày để có thể sống trọn vẹn cả một đời.

Exit mobile version