Đại Kỷ Nguyên

Mổ bắt con cứu sống sản phụ ở TP.HCM bị vỡ túi phình động mạch não

Các bác sĩ bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đã mổ lấy thai và can thiệp bít túi phình động mạch não cứu sống sản phụ N.T.N. (33 tuổi).

TTXVN đưa tin, trước đó sản phụ N. có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt dữ dội nhưng chỉ nghĩ là dấu hiệu của tháng cuối thai kỳ nên vào viện kiểm tra.

Tại đây, sau khi kiểm tra các bác sĩ chẩn đoán, chị N. mang bầu tuần 37 bị xuất huyết dưới nhện – một bệnh lý vỡ túi phình động mạch não nguy hiểm.

Bác sĩ Trần Nhật Thăng, khoa Phụ sản bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, may mắn thai nhi đã phát triển đầy đủ nên bác sĩ đã chủ động mổ lấy thai.

Nếu để sản phụ chuyển dạ tự nhiên thì những cơn gò, cơn đau khi chuyển dạ sẽ khiến tình trạng xuất huyết não nặng nề hơn, ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con.

Sau mổ, con của sản phụ N. hoàn toàn khỏe mạnh và được gia đình đưa về nhà chăm sóc. Đối với sản phụ N., sau khi can thiệp bít túi phình đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các cơn đau đầu đã giảm…

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, khoa Ngoại thần kinh bệnh viện trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, xuất huyết dưới nhện rất nguy hiểm, bởi giai đoạn này túi phình động mạch não còn nhỏ và chưa vỡ nên người bệnh hầu như không có triệu chứng gì.

Nếu túi phình to, chưa vỡ thì có thể gây triệu chứng yếu liệt chi, liệt vận động mắt hoặc mờ mắt do chèn ép dây thần kinh. Khi túi phình vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ, người bệnh sẽ đau đầu đột ngột dữ dội, cổ cứng. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê và động kinh.

Các bác sĩ cũng cho biết, tỷ lệ người bệnh mắc túi phình động mạch não khá cao, chiếm 3-5% dân số. Túi phình động mạch não dù được điều trị nhưng vẫn có 1-5% tái phát trong 5 năm đầu.

Nếu túi phình động mạch não vỡ lại, 70-90% người bệnh sẽ tử vong. Do đó, người bệnh cần chú ý duy trì sinh hoạt điều độ và giữ huyết áp ổn định vì cao huyết áp là yếu tố nguy cơ trực tiếp làm xuất hiện túi phình khác.

Nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu đột ngột, người dân nên đến các cơ sở y tế để khám. Trong gia đình có người bị túi phình động mạch não, các thành viên nên thường xuyên đi tầm soát sớm để phòng và điều trị bệnh.

(Tổng hợp)

Exit mobile version