Đại Kỷ Nguyên

Mách bạn 4 cách tốt nhất để loại bỏ thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại trên rau củ

Căn nguyên của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh nguy hiểm ngày nay bắt nguồn từ chính những loại rau quả bị nhiễm thuốc, hóa chất trong quá trình trồng trọt. Tuy nhiên, chỉ cần rửa đúng cách thì bạn đã loại bỏ được rất nhiều những chất độc này rồi.

Ngày nay ai cũng lo lắng vấn đề rau củ có nguy cơ chứa thuốc trừ sâu và nhiều loại hóa chất tăng trưởng khác. Kết quả phân tích các mẫu lấy trên thị trường khẳng định điều này, không chỉ đối với rau quả sản xuất trong nước mà cả với hàng nhập khẩu. Chỉ bằng cách rửa cẩn thận bạn mới có hi vọng loại bỏ chúng.

Dưới đây là một số phương pháp rửa do các chuyên gia y tế đưa ra sau khi thử nghiệm:

1. Nước muối kết hợp với nước lạnh

Nước lạnh giúp loại bỏ nhiều hóa chất độc hại trên rau quả (Ảnh: Internet)

Theo Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE, Mỹ), 3/4 hoặc nhiều hơn thuốc trừ sâu có thể được loại bỏ bằng cách rửa nước lạnh. Tuy nhiên đối với các loại thuốc trừ sâu đã ngấm vào bên trong rau củ quả thì loại bỏ chúng khá khó khăn.

Nếu có thể thì hãy kết hợp với nước muối. Thêm 2 muỗng cà phê muối vào nước ấm, để nguội, sau đó ngâm thức ăn trong nửa giờ trước khi rửa rau quả bằng nước lạnh. Điều này sẽ giúp loại bỏ thuốc trừ sâu tốt hơn so với chỉ có nước lạnh.

2. Sử dụng giấm trắng

Đây là một giải pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả khác, đổ một muỗng canh giấm trắng vào một bát nước ấm, ngâm đồ ăn trong vài phút và sau đó rửa bằng nước lạnh.

Theo Tổ chức Công tác Môi trường (EWG, Mỹ), axit axetic trong giấm trắng có thể giúp loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu trên vỏ trái cây và rau quả và cũng giết chết hơn 90% vi khuẩn.

Bên cạnh đó, ngâm trái cây và rau trong dung dịch giấm cũng sẽ giữ chúng tươi lâu hơn, đúng là một mũi tên trúng 2 đích.

3. Dùng baking soda và nước chanh

Có thể pha chế một dung dịch rửa tự nhiên đơn giản bằng cách trộn 1 muỗng canh nước chanh với 2 muỗng canh baking soda trong một chai nước. Xịt lên trái cây và rau cải, sau đó ít phút thì rửa bằng nước lạnh. Sự kết hợp của 2 thành phần này sẽ giúp món rau quả của bạn sạch đi khá nhiều.

Nếu chưa mua được baking soda thì có thể dùng chanh, pha với nước sạch sau đó phun lên rau quả. Rồi kết hợp ngâm trong nước lạnh khoảng 10 phút trước khi rửa rau quả và để khô.

4. Dùng tinh dầu chanh

Thêm 2-3 giọt tinh dầu chanh tự nhiên vào nước lọc trong chậu sạch hoặc bồn rửa, ngâm trái cây và rau vào đó. Cần đảm bảo rằng tất cả chúng đều được ngập trong nước, sau đó ít phút thì rửa lại bằng nước lạnh.

Rửa loại bỏ được bao nhiêu phần trăm?

Tất nhiên là hiệu quả còn tùy thuộc vào mỗi loại rau quả cũng như loại thuốc trừ sâu và cách thao tác cũng mỗi người. Các loại hoa quả vỏ mềm, rau xanh có lá và các loại đậu đỗ (đặc biệt là đậu đũa) thường có nhiều thuốc sâu hơn vì chúng dễ bị côn trùng tấn công. Rau gia vị có lượng thuốc trừ sâu ít hơn do tinh dầu trong các rau này chính là thuốc kháng côn trùng tự nhiên.

Dâu tây là loại có nguy cơ nhiễm thuốc sâu khá cao (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, khi nấu món rau, các chuyên gia khuyên nên mở nắp/vung nồi ra 1-2 phút khi đang ở lúc nhiệt độ cao, sôi để các chất độc hại bay bớt cùng với hơi nước. Với một số loại có vỏ thì tốt nhất là nên gọt bỏ vỏ. Các loại trái cây vỏ dày có thể ít nguy cơ về thuốc sâu hơn (nhưng còn các chất kích thích tăng trưởng!?).

Thời gian vừa qua, trên thị trường có xuất hiện máy rửa rau sử dụng ozone. Tuy nhiên một số chuyên gia cũng lưu ý rằng cần tìm hiểu rõ trước khi sử dụng. Lý do là: ozone là một chất oxi hóa cực mạnh, chỉ cần một lượng nhỏ rò rỉ ra trong quá trình vận hành, thao tác cũng tác động đến sức khỏe của bạn, nhất là khi sử dụng hàng ngày. Tiếp đó, ozone có thể chuyển hóa các hóa chất (thuốc trừ sâu), nhưng sản phẩm chuyển hóa đó là gì? Có độc hại ít (hay nhiều) hơn so với ban đầu?

Kiên Thành

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version