Đại Kỷ Nguyên

Mắc bệnh ‘ngón tay cò súng’ vì lướt smartphone thường xuyên

Việc sử dụng smartphone nhiều giờ liền có thể khiến bạn gặp khó khăn với việc co duỗi ngón tay.

Trường hợp của bệnh nhân V.T.P, 28 tuổi ở TP.HCM cho hay nhiều năm nay thường xuyên dùng ngón cái để lướt web, nhắn tin trên màn hình smartphone nhiều giờ liền. Thời gian gần đây, chị thấy ngón tay có nhiều triệu chứng bất thường như kém linh hoạt, đau khi lướt điện thoại… Sau khi đi khám, bác sỹ nhận định chị mắc bệnh “ngón tay cò súng”.

“Ngón tay cò súng” hay còn gọi là bệnh viêm bao gân gập, ngón tay bật… Đây là tình trạng các ngón tay khó khăn khi co duỗi, nếu cố gắng duỗi thì nghe tiếng “bật”, nguy hiểm hơn là ngón tay mắc kẹt, đứng yên một vị trí.

Hiện nay, căn bệnh “ngón tay cò súng” ngày càng trở nên phổ biến. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi (hơn 40 tuổi) và nữ gặp nhiều hơn nam.

Không chỉ vậy, bệnh còn xảy ra ở những người vận động cổ bàn tay nhiều hay sử dụng ngón tay với động tác lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài như nhân viên văn phòng, thợ rèn…

Dùng smartphone quá nhiều cũng gây nên bệnh “ngón tay cò súng”

Theo BS. Phan Vương Huy Đổng – phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM bàn tay chúng ta cử động nhẹ nhàng, trơn tru là do các gân gập ngón tay được bao bọc bởi các bao gân. Bao gân đi qua một vòng nhỏ bao lên sợi gân để sợi gân trượt lên đó gọi là ròng rọc.

Khi có bất kỳ sự cản trở nào trên sự di chuyển của gân gập cũng gây ra hiện tượng gân bị kẹt, cử động khó khăn, nổi bật là bệnh “ngón tay cò súng”. Chuyển động ngón tay cực kỳ khó khăn đặc biệt là vào buổi sáng.

“Ngón tay cò súng” được chia làm ba cấp và mỗi cấp có biểu hiện khác nhau cũng như cách xử lý khác nhau.

– Cấp độ nhẹ: Ngón tay co duỗi không thoải mái, hơi cứng, kèm theo đau ở các khớp tại bàn và ngón tay. Bạn nên ngâm tay vào nước ấm vào mỗi sáng, hạn chế làm việc quá sức, nên giải lao vận động bàn tay giữa giờ làm…

– Cấp độ trung bình: Tay bắt đầu bị cứng nhiều hơn đặc biệt sau khi ngủ dậy hoặc trời lạnh. Khi duỗi bàn tay phải dùng lực kéo mạnh. Ở mức độ này, bạn nên tới bác sỹ thăm khám và uống thuốc theo chỉ định kết hợp với các biện pháp ở cấp độ nhẹ.

– Cấp độ nặng: Ngón tay bị kẹt cứng, dùng trợ lực mạnh nhưng vẫn không duỗi ra được, rất đau. Bạn cần tới bác sĩ để xử lý. Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc cortisol vào bao gân gập hoặc dây chằng ròng rọc. Thậm chí, nếu bệnh quá nặng, bạn sẽ cần phải phẫu thuật rạch bao gân.

Các bác sỹ khuyến cáo tránh mắc phải căn bệnh “ngón tay cò súng”

– Hạn chế sử dụng smartphone, đồng thời tăng khoảng cách thời gian giữa những lần sử dụng

– Thường xuyên tập thể dục, co duỗi các khớp ngón tay

– Tránh tiếp xúc bàn tay lâu trong môi trường nhiệt độ thấp

– Làm việc nhẹ nhàng, hạn chế làm việc quá sức

– Đeo găng tay bảo hộ chống rung nếu làm các nghề có chấn động mạnh như thợ đục, thợ khoan…

– Khi có triệu chứng bệnh, nên tới bác sĩ để tìm phương hướng điều trị

Yến Yến

Exit mobile version