Đại Kỷ Nguyên

Mặc áo chống nắng kín mít làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương

Với tâm lý sợ ánh nắng làm đen da, kém xinh nên nhiều chị em cứ ra đường là kín mít mũ, áo, váy, tất chân, găng tay, kính… Các chuyên gia cảnh báo, việc bịt kín mít áo chống nắng khiến cơ thể không hấp thụ được vitamin D làm gia tăng các bệnh về xương khớp.

Ánh nắng mặt trời giúp cho cơ thể tổng hợp vitamin D, một loại vitamin cực kỳ quan trọng cho cơ thể.

Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu năm 2016 tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về nguy cơ thiếu vitamin D ở phụ nữ trong độ tuổi 20-50 tuổi, theo Công Luận.

Tại Hà Nội, 70% phụ nữ bị thiếu vitamin D, trong đó con số này chiếm 50% trên tổng số 1000 người tham gia nghiên cứu. Và một điều khiến cho những người tham gia nghiên cứu thấy ngạc nhiên là càng người trẻ thì lại càng thiếu vitamin D nhiều.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Viện dinh dưỡng cận lâm sàng, chia sẻ với Công Luận: “Ánh nắng mặt trời giúp cho vitamin D2 dưới da dưới chuyển hóa thành vitamin D3, giúp hấp thụ can xi cho cơ thể. Phụ nữ thành thị có nguy cơ thiếu vitamin D cao có thể do yếu tố tâm lý sợ da đen, cháy nắng. Khi đi ra đường trùm kín từ đầu tới chân không để hở da, khiến cho vitamin không thể tổng hợp được. Thường xuyên trang điểm, dùng kem chống nắng cũng gây cản trở quá trình tổng hợp vitamin D”.

Bác sĩ Tường Vi cũng cho biết thêm, thiếu vitamin D, phụ nữ sẽ tăng nguy cơ bị loãng xương sớm. Một số nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng thiếu vitamin D còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trầm cảm, cúm (do sức đề kháng suy giảm)… thậm chí là nguy cơ ung thư. Ở trẻ nhỏ nếu thiếu vitamin D còn gây ra tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng…

Bên cạnh đó, nhiều người làm việc văn phòng với đặc thù ngồi lâu ít vận động có thể gặp các vấn đề về xương khớp với biểu hiện mỏi lưng, cổ… Đặc biệt là các bệnh lý thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống vùng cổ, thắt lưng…

Theo Gia Đình Mới, Ths. Bs Trần Ngọc Tùng, Khoa Cơ Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những người làm việc văn phòng thường gặp nhiều vấn đề nguy cơ gây gia tăng khả năng mắc bệnh về xương, khớp.

“Khi ngồi quá lâu, chúng ta thường có cảm giác mỏi lưng và cổ. Biểu hiện mỏi này thường do các nguyên nhân như: tư thế ngồi không đúng, vặn vẹo cột sống, ngồi cong lưng hình chữ C, cúi cổ hoặc ngửa quá quá mức trong thời gian dài.

Nhiều người thường ngồi vắt chéo chân hoặc do chiều cao ghế ngồi và bàn làm việc không phù hợp. Đôi khi còn do máy tính làm việc để ở vị trí quá cao hoặc thấp so với tầm nhìn, việc ngồi tại chỗ trong 1 thời gian dài (2- 4h) cũng gây mỏi lưng và cổ”, Ths. Bs Trần Ngọc Tùng chia sẻ.

Cách phòng tránh bệnh xương khớp

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp, bác sĩ khuyến cáo, những người làm việc văn phòng cần tránh ngồi lâu ở một tư thế, nên đứng dậy đi lại, vận động các khớp nhẹ nhàng sau mỗi 45-60 phút ngồi làm việc.

Khi làm việc, mọi người nên giữ thẳng cột sống, điều chỉnh chiều cao của ghế và bàn làm việc, máy tính nên để ngang tầm mắt.

Cùng với đó, nên tích cực hoạt động thể lực với các bài tập tốt nhất cho cột sống là bơi lội và bám vào xà đơn thả lỏng người hoặc chạy bộ, đi bộ, đạp xe sẽ tốt cho hệ xương khớp nói chung.

Do thời tiết vùng nhiệt đới rất khắc nghiệt, chỉ qua 8h là nắng nóng rất gay gắt. Trong trường hợp nắng nóng 39-40 độ C, nếu phụ nữ không mặc áo chống nắng thì có nguy cơ bị tổn thương da.

Để tận dụng nguồn vitamin D từ ánh nắng mặt trời, bác sĩ Tường Vi khuyên: “Chị em nên tận dụng ánh nắng mặt trời vào lúc bình minh trong khoảng từ 6h-8h. Sáng sớm khi đi làm chúng ta không nhất thiết phải mặc áo chống nắng. Ánh nắng lúc này không thể làm đen da, ảnh hưởng tới sắc đẹp của chị em. Sau 8h tới 3h chiều thì chị em đi ra ngoài nên mặc áo chống nắng để đảm bảo sức khỏe và bảo vệ da”.

Khi thời tiết râm mát hoặc vào khoảng thời gian mùa đông ở miền Bắc, ánh nắng mặt trời ít, chị em có thể bổ sung thêm vitamin D qua đường uống.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, liều vitamin D cần thiết mỗi người một ngày là 400-800 đơn vị, trong trường hợp loãng xương thì cần phải bổ sung thêm.

Phương Nam

Exit mobile version