Đại Kỷ Nguyên

Kỳ y dị thảo: Y thuật kỳ dị của danh y Từ Tự Bá

Từ Tự Bá, tự Thúc Thiệu, là danh y nổi tiếng thời Nam Bắc Triều. Theo “Nam Sử – Trương Thiệu truyện” ghi chép, Từ Tự bá có đức hiếu, giỏi nói lời thanh nhã, làm quan Chính viên lang, phụ tá các phủ, thường được Vương Ánh ở Lâm Xuyên coi trọng.

Một lần nọ, sau khi uống hết 10 thang Ngũ thạch tán (Ngũ thạch tán là một loại thuốc bột được tán nhỏ từ năm loại đá như thạch nhũ, thạch anh tím, thạch anh trắng, đá lưu huỳnh và cao lanh đỏ) cơ thể tướng quân Phòng Bá Ngọc bỗng nhiên sợ lạnh, mùa hè nóng đến mấy cũng phải áo trong áo ngoài mấy lớp. Từ Tự Bá sau khi thăm khám cho ông liền nói với người nhà: ‘Đây là hiện tượng trong thân có phúc nhiệt, cần dùng nước để dẫn động, không tới mùa đông thì không thể trị. Đến tháng 11 khi băng tuyết ngập trời, Từ Tự Bá bảo hai người đi cùng tướng quân vào phòng, cởi bỏ quần áo và giữ ông ngồi trên một tảng đá sau đó dùng nước lạnh dội từ đầu tới chân.

Sự cao minh của hai danh y Hoa Đà và Từ Tự Bá là ở chỗ vận dụng nguyên lý “thiên nhân hợp nhất” để trị bệnh. (Ảnh: zhihu.com)

Sau khi dội liên tiếp ba xô nước, Phòng Bá Ngọc lạnh tới run cầm cập không nói được gì, cảm giác như sắp bị tắt thở. Người nhà tướng quân thấy vậy thì hốt hoảng khóc sướt mướt, xin thái y không dội nước nữa kẻo nguy hại tới tính mạng. Từ Tự Bá thấy vậy sai người lấy một cây gậy, và tuyên bố nếu ai còn tới khuyên can sẽ không nương tay đánh thật đau và tiếp tục dội cả trăm xô nước lên bệnh nhân. Một lát sau mới thấy bệnh nhân có thể hoạt động, lại thấy khi nóng bừng bừng bốc lên sau lưng ông ta. Tiếp đó thấy Phòng Bá Ngọc đứng dậy và nói: “Nóng quá, nóng không chịu nổi nữa rồi, ta muốn uống chút nước lạnh” Từ Tự Bá lấy nước cho ông ta uống, uống liền một hơi tới cả lít nước và bệnh tình cũng được hồi phục. Từ đó mùa đông Phòng Bá Ngọc cũng không sợ lạnh nữa, cơ thể khỏe mạnh thoải mái.

Trong Hậu Hán Thư cũng ghi chép một trường hợp chữa bệnh của danh y Hoa Đà tương tự như Từ Tự Bá, chuyện rằng có một người phụ nữ nọ mắc bệnh có tên hàn nhiệt chú. Tới tháng 11, Hoa Đà bảo bệnh nhân ngồi trên một tảng đá, dùng nước lạnh dội từ đầu tới chân. Ban đầu, dội được khoảng 70 xô bệnh nhân lạnh tới run lập cập như chỉ muốn chết xin dừng lại nhưng Hoa Đà không cho phép. Khi dội tới xô thứ 80 nhiệt khí bắt đầu bốc lên cao tới hai ba thước. Khi dội đủ 100 xô nước, nhiệt khí vẫn bao phủ khắp phòng, hồi lâu sau bệnh nhân toát mồ hôi lạnh và dần khỏi bệnh”

Sự cao minh của hai danh y Hoa Đà và Từ Tự Bá là ở chỗ vận dụng nguyên lý “thiên nhân hợp nhất” để trị bệnh. Tức lợi dụng đặc điểm năng lượng âm dương bên trong cơ thể người biến đổi thuận theo tiết khí: “Mùa xuân, khí dương tiết ra ngoài, mùa hè mùa thu thì khí âm ở trong thân thể, mùa đông khí dương ở trong thân thể”. Vào sáng sớm ngày Đông Chí, khi mà năng lượng mặt đất từ âm chuyển sang dương, năng lượng khí dương bên trong thân thể bắt đầu sinh ra, lấy nước lạnh dội lên người, khiến cho khí của nhiệt dương bên trong thân thể mau chóng phân tán, theo tình thế mà phân giải, chính gọi là “vật cực tất phản”.

Theo zhengjian.org
Kiên Định

Loạt bài Kỳ y dị thảo, đành rằng trích dẫn từ sử sách xưa lưu lại, nhưng có thể có nhiều tình tiết mà độc giả khó lòng liễu giải, nhất là chiểu theo y học hiện đại. Thực ra, y lý thường phức tạp hơn những gì người ta có thể nhìn thấy ở bề mặt, hoặc đọc được trong sách. Thêm vào đó, y học dân gian thậm chí là Đông y có nền tảng lý luận khác nhau nhiều so với y khoa thực chứng. Do vậy có lẽ chúng ta cũng chỉ nên xem đây như những câu chuyện để tham khảo, nhất định không được thử làm theo.

Exit mobile version