Đại Kỷ Nguyên

Kỳ y dị thảo: Rắn mọc sừng và truyền kỳ về đá hút độc

Thế giới rộng lớn này không điều thì là không thể. Có loài rắn mang kịch độc, trên đầu còn sinh ra một loại “đá” có tác dụng trị bệnh thần kỳ. Người ta gọi đó là “đá hút độc”.

Ghi chép về đá hút độc trong các sách Trung y cổ

Đá hút độc, trong các sách Trung y cổ được xếp vào loại thuốc nước ngoài hiếm thấy, được sản xuất ở Ấn Độ và chủ yếu để trị nhọt nung mủ. Nó có thể hấp phụ mủ độc và giải được độc tố trong cơ thể. Thời nhà Minh – Thanh, các nhà truyền giáo nước ngoài đến Trung Quốc, đa số sẽ mang theo đá hút độc làm lễ vật tặng khi gặp mặt.

Đem đá hút độc đặt lên chỗ nhọt đang nung mủ, viên đá sẽ dính chặt vào vết thương, sau khi hấp phụ hết chất độc nó sẽ tự động rời ra, sau đó đem ngâm viên đá trong sữa người, độc khí trong viên đá tiêu tan làm cho sữa biến thành màu xanh lục. Một cục đá hút độc có thể được sử dụng nhiều lần.

Truyền kỳ về đá hút độc dưới ngòi bút của Kỷ Hiểu Lam

Hiện nay, người ta chỉ có thể từ trong các thư tịch cổ đại mà biết được công dụng thần kỳ của loại đá này. Vào triều đại nhà Thanh – đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” đã ghi chép câu chuyện về loại đá hút độc này. Kỷ Hiểu Lam nói rằng ông đã từng đọc trong cuốn “Tả truyện” của sử gia nước Lỗ – Tả Khâu Minh thấy có viết: “Ở trong núi sâu đầm lớn, là nơi sinh trưởng của Long xà”.

Có một ngày, tiểu nô của Kỷ Hiểu Lam chạy vào khe núi tìm con dê bị lạc. Tiểu nô này tên gọi là Ngọc Bảo, là một đứa trẻ lưu lạc từ vùng Urumqi – Tân Cương.

Ngọc Bảo đi vào trong núi, đột nhiên nhìn thấy trên sườn núi cao có một con rắn lớn to như cái cột nhà, đang sưởi những chiếc vảy của mình dưới ánh mặt trời. Những chiếc vảy của con rắn đó đủ loại màu sắc, hiện ra rực rỡ dưới ánh mặt trời, nhìn từ xa như gấm như vóc. Trên đầu con rắn mọc một chiếc sừng, dài khoảng 1 thước. Lúc này có một đàn chim trĩ bay qua, con rắn lớn đó há miệng hút một cái, cả đàn chim liền rơi vào miệng nó.

Cậu bé tận mắt nhìn thấy, cho rằng con dê bị lạc mất hẳn cũng bị con rắn kia nuốt rồi. Nó nghĩ: Nhân lúc con rắn còn chưa nhìn thấy, mình mau rời khỏi đây thôi. Ngọc Bảo nhanh chóng chạy dọc theo khe núi để trở về. Trông bộ dạng bị dọa sợ như đã hồn bay phách lạc.

Vị quan quân tên là Ô Đồ Lân sau khi nghe chuyện nói: “Tuy đó là con rắn độc, nhưng sừng trên đầu nó lại có thể giải độc, chính cái người ta hay gọi là “đá hút độc”. Khi đã nhìn thấy con rắn này, có thể dùng vài cân Hùng hoàng đốt chỗ hướng đầu gió trước con rắn. Khói của Hùng hoàng thuận theo gió mà xuống, rắn ngửi thấy mùi Hùng hoàng sẽ toàn thân mềm yếu, không thể động đậy. Lúc này cưa sừng của con rắn đó xuống, cưa thành từng cục từng cục một. Khi trên người mọc mụn nhọt, liền lấy một cục dán lên nhọt, nó lập tức như đá nam châm, dán sát chặt vào đầu mụn, đợi tất cả độc bị hút sạch, nó tự sẽ rụng ra”.

Đá hút độc.

Kỷ Hiểu Lam trong sách tự thuật lại: “Ta nhớ anh họ Mậu Viên Gia có đá hút độc, mỗi lần chữa trị mụn nhọt nung mủ rất hiệu quả. Ta thấy đá hút độc đó không phải gỗ, cũng không phải đá. Mãi cho đến khi vị quan quân Ô Đồ Lân giảng giải, mới giật mình tỉnh ngộ, thì ra đó là sừng rắn”.

Sự biến mất thần bí của đá hút độc

Trong cuốn “Lĩnh Nam tạp ký” của Ngô Chấn Phương đời nhà Thanh đã ghi chép lại những điều ông mắt thấy tai nghe khi ông du ngoạn vùng Quảng Đông, đá hút độc to như đậu cô-ve, có thể hấp phụ tất cả các loại độc. Cũng có thổ dân sau khi bắt giết rắn độc, đem thịt rắn và đất trộn nặn thành viên to như viên cờ vây, cũng có thể hút đi các loại độc thông thường cho đến độc tố của rết, rắn độc, bọ cạp.

Người truyền giáo Nam Hoài Nhân trong “Nguyên do, cách dùng đá hút độc” cũng giới thiệu, đá hút độc có thể phân thành hai loại, một loại lấy từ “viên đá” sinh ra trên đầu con rắn độc, một loại là đem thịt rắn độc và đất của bản địa hợp chế lại.

Tại Trung Quốc, loại đá hút độc thần kỳ này, đến cuối triều Thanh trở về sau đã biến mất một cách thần bí. Nghe nói tại Srilanka, Ấn Độ và một số nơi vẫn có người sử dụng, nhưng rất ít người nhìn thấy tung tích đá hút độc.

Tung tích đá hút độc tìm thấy ở Việt Nam

Những câu chuyện về loại đá hút độc được cưa từ sừng con rắn kỳ lạ tại Trung Quốc rất có sự tương đồng với câu chuyện về sừng loài dinh rắn nổi tiếng ở Việt Nam mấy năm gần đây.

1. Câu chuyện của đạo sĩ Ba Lưới

Đạo sĩ Ba Lưới, người sống 80 năm trên núi Cấm, hiện đã 100 tuổi bảo rằng, Thất Sơn nổi tiếng vì có nhiều rắn độc. Từ loài bé bằng chiếc đũa, đến loài hổ mây đều có khả năng giết người.

Những loài rắn nổi tiếng độc ở Thất Sơn là loài chàm quạp, quạp voi, quạp dây, hổ sơn, hổ chuối, hổ đất, hổ hèo, mai gầm, hổ mây, hổ chúa. Những con rắn này cướp mạng cả voi, chứ chẳng nói gì người.

Xưa kia, các đạo sĩ vào rừng Thất Sơn tu luyện, thường mang theo một chiếc sừng của loài dinh rắn. Có chiếc sừng này trong người, cùng với một số bài thuốc bí truyền mà họ nắm giữ, thì mọi độc dược của rắn sẽ được hóa giải.

Ông Ba Lưới vào căn nhà nhỏ giữa rừng, nơi vách núi Long Hổ Hội, thắp hương trên bàn thờ, rồi mở hòm gỗ lấy ra một chiếc sừng màu đen tuyền, cong cong rất lạ, như chiếc lưỡi câu.

Chiếc sừng được cho là sừng con dinh có khả năng chữa độc.

Chiếc sừng này chỉ nhỏ bằng ngón tay cái và dài chưa đầy gang tay. Ông chỉ lấy ra một lát, rồi lại cất đi ngay.

Theo ông Ba Lưới, năm 19 tuổi, lên núi Thất Sơn tầm sư học đạo, ông đã hai lần bị rắn cắn suýt chết trong cùng năm đó. Nếu không học được bài thuốc trị rắn cắn, thì không thể tồn tại được trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, nên ông đã dày công tìm thầy học thuốc rồi mới học võ.

Đạo sĩ Ba Lưới khẳng định dinh rắn là loài có thật ở Thất Sơn. Người thầy đầu tiên tên Trường Sơn đã truyền cho ông bài trị rắn độc bằng cây, lá, nhưng người thầy thứ hai, là đạo sĩ Bùi Văn Thân, đã truyền cho ông bảo vật, đó là chiếc sừng dinh rắn.

Mặc dù đạo sĩ Ba Lưới hiểu biết rất rõ về các loài vật kỳ dị ở Thiên Cấm Sơn, song loài dinh rắn vẫn là bí ẩn với ông. Ông bảo, chỉ có duy nhất một lần ông nhìn thấy loài vật kỳ dị, lạ lùng, tưởng như chỉ có trong thần thoại này. Nó là loài thuộc họ bò sát, nhưng ngắn hơn rắn, dài hơn con rít (con rít giống con rết, nhưng to bằng cái phích, dài gần 1m).

Đầu nó tù, chứ không dài như đầu trăn và bành như đầu rắn hổ mang. Nó không lớn lắm, chỉ nặng trên dưới 10kg. Trên mũi con vật lạ lùng này có một chiếc sừng cong ra phía sau. Loài dị thú này sống ẩn dật trong các hang động, trên núi cao, nơi không có con người đặt chân đến. Đôi khi nó ngủ trên cây bằng cách móc sừng của nó lên cành.

Món ăn của dinh rắn là các loài rắn độc. Các loài rắn độc gặp dinh rắn thì sợ hãi, thân cứng như khúc củi, không di chuyển được nữa, nó chỉ việc bò đến xơi tái. Các đạo sĩ ở vùng Thất Sơn bắt được dinh rắn thì cắt lấy sừng, rồi thả nó ra. Chỉ một thời gian sau, chiếc sừng lại nhú lên, mọc lại như cũ.

Sừng dinh rắn không những có khả năng hút các loại nọc độc của rắn khi áp vào vết thương, mà mang sừng dinh rắn trong người, các loài rắn độc đều chạy mất. (theo VTCnews). Ngoài dùng loại sừng dinh này, người ta còn kết hợp nó với một số thảo dược để tăng tác dụng giải độc rắn.

2. Lời trong tác phẩm được lưu truyền

Trong tác phẩm Cây huê xà (loài cây dây leo giống con rắn, mọc trên núi Cấm, dùng để chữa rắn độc), nhà văn Sơn Nam cũng nhắc đến sừng dinh: “Ăn bánh ngải rồi uống nước chanh. Xong xuôi, nằm xuống hút một điếu á phiện với cái dọc tẩu làm bằng sừng con dinh…”.

Bài thuốc trị rắn độc gồm 5 vị mà nhà văn nhắc đến gồm: Ngải mọi, nước chanh, á phiện, sừng dinh, huê xà. Tiếc rằng, nhà văn Sơn Nam đã đi xa, nên không ai hỏi được thêm thông tin chiếc sừng dinh từ ông.

Hùng Hoàng 
Nguồn tham khảo: Duyệt vi thảo đường bút ký, Lĩnh Nam tạp ký,
VTC news, Vietbao.vn

Xem thêm:

Exit mobile version