Đại Kỷ Nguyên

Kỳ y dị thảo: Câu chuyện về nguồn gốc của cây Mã đề

Tuy chỉ là loại cây dại mọc hoang, mã đề có nhiều công dụng trị bệnh hiệu quả ít người biết. Xung quanh nguồn gốc của loại thảo dược này còn có một câu chuyện khá thú vị.

Mã đề hay còn gọi là Mã tiền xá, Xa tiền thảo có tên khoa học là Plantago asiatica, là loài là cây thân thảo, sống lâu năm, tái sinh bằng nhánh và hạt, thân cao khoảng 10 – 15 cm. Đây là loại thảo mộc dễ nhận biết bởi phiến lá hình thìa, đôi khi hình trứng, có gân hình cung dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá.

Theo Đông y, mã đề có vị ngọt, tính lạnh, đi vào các kinh Can, Thận và Bàng quang; tác dụng chữa đái rắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lỵ, nhức mắt, đau mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu, thanh Phế hóa đàm… Vị thuốc này được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam.. Bộ phận dùng làm thuốc: Hạt mã đề phơi hay sấy khô gọi là Xa tiền tử; toàn cây bỏ rễ phơi hay sấy khô gọi là Xa tiền thảo; lá cây để tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Tại Ấn Độ, chất nhầy được chiết xuất khi nghiền vỏ hạt mã đề được dùng bào chế thuốc nhuận tràng chuyên dùng điều trị chứng đường ruột bất thường và táo bón. Nó đã từng được sử dụng trong điều trị một loạt các vấn đề về ruột, bao gồm táo bón kinh niên, lỵ amip và bệnh tiêu chảy. Tại Bulgaria, lá cây được sử dụng làm thuốc để chống nhiễm trùng ở các vết đứt hay vết xước.

Nguồn gốc của cây mã đề bắt nguồn từ thời vua Vũ trị thủy (Ảnh: m.91ddcc.com)

Câu chuyện về nguồn gốc cây mã đề

Có rất nhiều câu chuyện về nguồn gốc của loại thảo mộc này, trong đó có câu chuyện từ thời vua Nghiêu vua Thuấn.

Tương truyền vào thời kỳ Nghiêu Thuấn Vũ đế, khi vua Vũ phái Bá Ích dẫn quân tới Giang Tây trị thủy thì gặp phải trận hạn hán lớn. Lúc đó vào đúng mùa hè, vì cực nhọc làm việc lâu ngày dưới trời nắng nóng mà nhiều người bị phù thũng, tiểu ít, tiểu vàng sinh mệt mỏi chán ăn. Số người mắc bệnh ngày một tăng gây ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng công trình trị thủy, làm Bá Ích lo lắng tới mất ăn mất ngủ không biết phải làm sao.

Sau khi hay tin, vua Vũ lập tức đánh xe tới quan sát và đưa thầy thuốc tới trị bệnh. Tuy nhiên, họ chỉ có thể xem bệnh mà không biết dùng thuốc nào để trị. Nhiều ngày trôi qua, khi số người mắc bệnh ngày một tăng thêm thì có một ông lão đến xin gặp vua. Ông mang tới trước mặt vua một nắm cây nhỏ và nói: “Vũ vương, xin người hãy dùng loại thảo mộc này, nó có thể cứu các vị huynh đệ ngoài kia”

Đây là ông lão chăn ngựa của đội quân trị thủy. Mấy hôm trước, khi cho ngựa ăn ông phát hiện trong bầy của Bá Ích, có một số con đi tiểu nước vừa trong vừa nhiều, còn những con khác lại vừa ít vừa vàng. Lấy làm lạ ông bèn quan sát kỹ xem chúng ăn uống ra sao. Sau đó phát hiện, chúng thường xuyên gặm một loại cỏ có lá tròn tròn. Nhiều ngày như vậy ông tự suy luận: “Chẳng lẽ loại cỏ này có tác dụng lợi tiểu?”

Người phát hiện ra tác dụng trị bệnh của mã đề là một ông lão chăn ngựa của Vũ vương (Ảnh: m.91ddcc.com)

Suy nghĩ tới đó, ông liền thử nhổ một nắm cỏ và mang về đun nước cho những người mắc bệnh uống. Ngày thứ hai, nước tiểu của họ đều từ vàng trở thành trong và không còn bị hiện tượng tiểu ít nữa. Ông lại sắc thêm nước cho họ uống thì sau đó mọi người đều cảm thấy thân thể nhẹ nhàng thoải mái. Vui mừng vì phát hiện ra loại thảo mộc quý, ông chạy tới tìm vua Vũ để có thể giúp tất cả mọi người trị bệnh. Sau khi hay tin vua vui mừng lệnh cho người lấy loại cỏ này sắc nước, quả nhiên sau đó bệnh tình đều khỏi. Cũng vì loại cỏ này được phát hiện ở trước xe ngựa, nên được đặt tên là “Xa tiền thảo”.

Bài thuốc dân gian trị bệnh từ mã đề

Những bài thuốc sử dụng mã đề để chữa bệnh về thận và đường tiết niệu:

Làm lợi tiểu: 10g hạt mã đề, 2g Cam thảo, 600ml nước, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa viêm cầu thận cấp tính: 16g mã đề, 20g Thạch cao làm thuốc, 12g Ma hoàng, 12g Bạch truật, 12g Đại táo, 8g Mộc thông, 6g gừng, 6g Cam thảo, 6g Quế chi. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa viêm cầu thận mãn tính: 16g mã đề, 12g Hoàng bá, 12g Hoàng liên, 12g Phục linh, 12g rễ cỏ tranh, 8g Trư linh, 8g Mộc thông, 8g Hoạt thạch, 8g Bán hạ chế. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Theo Đông y, mã đề vị ngọt, tính lạnh, tác dụng mát máu, khử nhiệt (Ảnh: fucoidan.org.vn)

Chữa đi tiểu ra máu: 12g lá mã đề, 12g ích mẫu, giã nát, vắt nước cốt uống.

Chữa sỏi đường tiết niệu: 20g mã đề, 30g Kim tiền thảo, 20g rễ có tranh. Sắc uống mỗi ngày 1 thang hoặc hãm uống như chè nhiều lần trong ngày.

Chữa viêm bàng quang cấp tính: 16g mã đề, 12g Hoàng bá, 12g Hoàng liên, 12g Phục linh, 12g rễ cỏ tranh, 8g Trư linh, 8g Mộc thông, 8g Hoạt thạch, 8g Bán hạ chế. Sắc uống ngày 1 thang.

Theo zhengjian.org
Kiên Định biên dịch

Exit mobile version