Đại Kỷ Nguyên

Kỳ y dị thảo: Câu chuyện Thần y chữa bệnh bằng liệu pháp tự nhiên

Thông tin về tác dụng phụ của nhiều phương pháp điều trị hiện đại gần đây làm mỗi người chúng ta cảm thấy e ngại khi phải đi khám chữa bệnh. Tại sao khi y học càng phát triển chúng ta lại càng mong muốn gần gũi hơn với tự nhiên, muốn tìm tòi các liệu pháp trị bệnh từ thiên nhiên để khỏe mạnh và trường thọ? Nguyên nhân bởi những liệu pháp này được chứng minh hoàn toàn có thể làm dịu, giảm đau và thay thế được thuốc điều trị; đồng thời an toàn hơn các loại thuốc và cách điều trị thường sử dụng lại không tốn kém.

Từ xa xưa các danh y đã nhận thức và coi trọng sử dụng các liệu pháp này. Họ nhận định con người và tự nhiên là một thể thống nhất, con người khởi nguồn từ tự nhiên, dựa vào tự nhiên, phát triển ở tự nhiên, cuối cùng quy về tự nhiên. Bởi vậy, ngoài sử dụng thuốc thảo dược và châm cứu, các thầy thuốc còn đề xướng phương pháp chữa bệnh bằng thực phẩm. Danh y Tôn Tư Mạc là một trong số các thầy thuốc đó. Ông chủ trương kết hợp dùng thuốc và thực phẩm trong điều trị, ông đã giới thiệu 29 loại trái cây, 58 loại rau, 29 loại hạt và 40 loại động vật có khả năng trị các loại bệnh như quáng gà, phù nề…

Danh y Tôn Tư Mạc (Ảnh: jigouxinxi.com)

Chữa khỏi quáng gà và phù nề bằng liệu pháp tự nhiên

Thông qua trải nghiệm trong thời gian làm nghề Tôn Tư Mạc phát hiện người nghèo thường hay bị quáng gà, người giàu lại hay bị phù nề. “Quáng gà” là cách gọi dân gian của bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc. Người bệnh quáng gà có thị lực bình thường vào ban ngày nhưng đến tối lại giống như một chú chim sẻ không nhìn thấy gì.

Người bị phù thì chân sưng to, đau cơ, tứ chi mỏi như không có khí lực. Khi ấn tay vào chỗ phù da thịt bị lõm sâu xuống một lát sau mới trở lại trạng thái bình thường. Có một điều đáng chú ý và vô cùng kỳ lạ đó là những người bị phù thì không mắc quáng gà và ngược lại. Hai bệnh này rốt cuộc có liên quan gì với nhau? Tình trạng bệnh có tính quy luật như vậy làm Tôn Tư Mạc rất chú ý và để tâm nghiên cứu. Qua một thời gian quan sát thực tế ông tự hỏi: Đây liệu có phải liên quan tới sinh hoạt ăn uống của bệnh nhân?

Quáng gà là cách gọi dân gian của bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc (Ảnh: ykhoatoanthu.com)

Ông nhận định, người nghèo thường ăn gạo thô giã chưa trắng, ít được ăn thịt người bệnh bị quáng gà có thể do thiếu một chất nào đó trong thịt gây ra. Nếu vậy cần bổ sung loại chất này mới có thể khỏi bệnh. Nghĩ là làm ông bắt đầu thử nghiệm với các bệnh nhân và phát hiện ăn gan động vật có thể điều trị được quáng gà. Ông lại nghĩ, có phải bởi người giàu thường ăn gạo trắng đã xát bỏ lớp cám bên ngoài mà sinh ra phù?

Sau đó ông lại dùng tấm và cám nấu thành cháo cho bệnh nhân ăn, kết quả bệnh tình dần giảm nhẹ và không cần uống thuốc cũng có thể khỏi. Sau này ông còn phát hiện dùng hạnh nhân cũng có thể chữa khỏi phù nề nên áp dụng các liệu pháp tự nhiên này khi thăm khám điều trị.

Nghiên cứu của y học hiện đại ngày nay đã chứng minh phương pháp chữa bệnh của Tôn Tư Mạc là có cơ sở khoa học. Một trong những nguyên nhân gây quáng gà là do cơ thể thiếu vitamin A, mà gan động vật lại rất giàu loại dưỡng chất này nên ăn gan có thể điều trị và phòng ngừa bệnh. Cám và tấm gạo là thực phẩm giàu vitamin B1 nên ăn cháo này có thể ngừa và điều trị được phù do thiếu loại vitamin này. Người châu Âu tìm hiểu cách điều trị bệnh phù từ thế kỷ 17 trong khi Tôn Tư Mạc đã biết tới từ hơn 1000 năm trước.

Đập nõn hành cứu trẻ sơ sinh

Tôn Tư Mạc rất coi trọng việc khám chữa cho những bệnh nhân nhỏ tuổi. Ông quan niệm ai cũng phải trải qua thời kỳ trẻ con rồi mới có thể trưởng thành, bệnh của trẻ nhỏ khác với người lớn nên trong công tác thăm khám cần có chuyên môn riêng. Chuyện rằng, một lần nọ có người đàn ông hớt hải chạy tới nhờ ông xem giúp cho đứa cháu con anh trai vừa mới sinh nhưng đã tắt thở. Tôn Tư Mạc vội đi theo người đàn ông, đến nơi ông quan sát trên miệng đứa bé dính đầy máu bẩn, toàn thân tím bầm, khẽ lay cũng không cử động. Ông vội lấy ra một miếng bông sạch lau sạch hết máu ứ trên miệng và ở bên trong.

Tôn Tư Mạc đập nõn hành cứu trẻ sơ sinh

Tiếp theo ông nhờ người nhà đem đến mấy cọng hành trắng, cắt bỏ phần lá xanh ở trên, đập nhẹ phần trắng vào thân đứa bé. Thật kỳ diệu, sau khi đập một hồi đứa bé khóc oe oe làm những người xung quanh vừa ngạc nhiên vừa vui mừng. Tôn Tư Mạc lại bảo người mang đến một chậu nước ấm, đặt bé vào chậu nước nhẹ nhàng xoa bóp khắp người, rồi dùng khăn vải lau khô và quấn bé lại trao cho người nhà. Em bé đã được ông cứu sống một cách thần kỳ như thế.

Tận mắt thấy đôi bàn tay giúp “cải tử hoàn sinh” của ông, có người tới hỏi ông: “Tôn đại phu, tại sao một viên thuốc thầy cũng không dùng mà có thể cứu sống đứa bé?”

Tôn Tư Mạc trả lời: “Đứa bé này lúc sinh ra bị ứ máu trong miệng gây cản trở không khí vào phổi nên mới tạm thời ngừng thở. Nếu không nhanh chóng loại bỏ máu ứ bé sẽ tắt thở thật, cho nên tôi phải lau sạch miệng bé trước để không khí có thể đi vào”.

“Tại sao dùng hành đập nhẹ vào đứa bé vậy?”. Người đó lại hỏi tiếp

Ông trả lời: “Làm như vậy là để cho đứa bé khóc. Khi đứa bé khóc lên thì không khí sẽ vào phổi và giúp thông suốt”.

Người đó lại hỏi: “Tại sao lại dùng hành mà không dùng các thứ khác?”

Ông mỉm cười và đáp: “Dùng nõn hành đập nhẹ nhẹ là vì hành mềm, mịn không làm tổn thương da đứa bé, vả lại hành là thứ mà nhà nào cũng có, dễ tìm thấy”.

Kiên Định t/h

Exit mobile version