Đại Kỷ Nguyên

Khổ qua: Thuốc đắng dã đủ thứ bệnh nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hại không phải ai cũng biết

Ngựa hay vẫn thường mang nhiều chứng (tật). Các chuyên gia vẫn dùng mướp đắng như một món ăn có vô vàn lợi ích sức khỏe và công dụng làm đẹp tuyệt vời, tuy nhiên nó cũng ẩn chứa những tác hại nguy hiểm như tan huyết, giảm khả năng sinh sản, hạ đường huyết đột ngột… nếu bạn không biết cách dùng.

Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính mát, hơi hàn; mướp đắng hay còn gọi là khổ qua, tuy vị đắng nhưng lại có tác dụng tốt cho sức khỏe. Trong mướp đắng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như protein, lipit, cacbon hidrat, canxi, kali, magie, sắt…

Những mặt trái mà không phải ai cũng biết.

Gây thiếu máu, tan huyết

Trong hạt mướp đắng chứa một hoạt chất là vicine, có khả năng tạo ra nhiều men oxy hoá khử trên màng tế bào. Khi chất này được sinh ra quá nhiều trên màng tế bào máu, nhất là tế bào hồng cầu sẽ gây hư hại, thậm chí thủng màng tế bào. Điều này gián tiếp làm tan máu.

Thiếu máu, tan huyết. (Ảnh: frontlinegenomics.com)

Bệnh thiếu máu, tan huyết là kết quả của việc thiếu hụt máu do các enzyme không hoạt động được như bình thường. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều mướp đắng, lượng độc tố trong loại rau này sẽ tác động đến chức năng của các enzym.

Giảm khả năng sinh sản

Dùng mướp đắng liên tục liều cao thì có thể làm tổn thương tinh hoàn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Tinh hoàn ít protein dưỡng chất hơn, ít tinh trùng hơn, giảm acid nhân ARN hơn. Vì vậy, những người đang điều trị vô sinh không nên dùng mướp đắng.

Ảnh hưởng cho người bị bệnh về gan và thận

Người bị bệnh về gan và thận cần tránh ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi. Những người bị thiếu men G6PD (Loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) cũng nên tránh xa loại rau có vị đắng này.

Tăng men gan

Lá gan có thể bị biến dạng. (Ảnh: soha.vn)

Ăn quá nhiều mướp đắng sẽ kiến các enzyme gan tăng cao, làm thay đổi hình dáng của tế bào gan. Bên cạnh đó nó còn chứa chất độc có tên là vicine gây nên hiện tượng nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
Nếu bạn ăn phải những trái mướp đắng được trồng tại những vùng bị nhiễm kim loại nặng sẽ dẫn tới ngộ độc, gây tổn hại cho gan.

Hạ đường huyết đột ngột

Hạ đường huyết. (Ảnh: ydvn.com)

Mướp đắng chứa p-insulin, mang lại hiệu quả hạ đường huyết tương tự insulin. Nhưng cũng chính vì điều này mà khi dùng quá nhiều, mướp đắng có thể gây ra tụt đường huyết đột ngột; chóng mặt, nhức đầu, ra mồ hôi, hốt hoảng, có thể bị choáng và ngất.

Ảnh hưởng đến người mắc bệnh tiêu hóa

Mướp đắng có tác dụng tăng tiết men tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa tốt hơn nhưng nếu những người mắc bệnh đường tiêu hóa, hệ tiêu hóa yếu thì các hoạt chất trong mướp đắng kết hợp vào sẽ tạo nên sự “quá đà” và gây nên hiện tượng tiêu chảy, lỵ, gây các bệnh ở dạ dày.

Ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ

Không chỉ gây khó tiêu, phần ruột và hạt bên trong trái mướp đắng còn chứa nhiều thành phần độc tố gây hại cho sức khỏe của trẻ em. Chính vì vậy, bạn không nên cho trẻ ăn những món được chế biến từ mướp đắng.

Lưu ý

Không ăn hay uống nước ép mướp đắng khi đói bụng. Thời điểm tốt nhất để bổ sung mướp đắng là trong hoặc sau bữa ăn.

Không nên ăn quá 2 quả mướp đắng trong 1 ngày và quá 4 lần trên 1 tuần. Ăn nhiều mướp đắng có thể gây tiêu chảy và một số vấn đề khác đặc biệt là về dạ dày.

Tiểu Mai

Exit mobile version