Đại Kỷ Nguyên

Khám phá y học cổ truyền nghìn năm lịch sử kỳ 1: Những bài thuốc chữa đau bao tử đơn giản

Y học cổ truyền (YHCT) đã có từ hàng nghìn năm trước, đã được chứng thực cùng với những bước thịnh suy của lịch sử nhân loại cho đến ngày nay.

Mặc dù hiệu quả rõ ràng nhưng khoa học hiện đại vẫn chưa thể lý giải đầy đủ các nguyên lý cao thâm của y học cổ truyền. Khi không lý giải được, người ta bỏ qua nó, kết quả là con người đã dần dần quên lãng đi Đông y và ưa chuộng Tây y với các thiết bị tối tân bóng nhoáng, những viên thuốc đắt tiền… Ban biên tập chuyên mục Sức khỏe Thời báo Đại Kỷ Nguyên sẽ cùng bạn “khám phá lại” một số bài thuốc trong YHCT, để từ đó có cái nhìn khách quan hơn.

Kỳ 1: Chữa đau bao tử theo YHCT

Khi bị đau bao tử, bác sĩ Tây y sẽ cho bạn thuốc uống ngăn không cho axít dạ dày tiết ra và dùng thuốc trung hoà dịch. Mục đích là để bảo vệ niêm mạc dạ dày không còn bị dịch axít kích thích làm tổn thương nữa, và thức ăn được lưu thông. Điều này dẫn đến thức ăn không được tiêu hoá tốt (do thiếu dịch dạ dày), cơ thể không hấp thu được dưỡng chất đầy đủ. Chưa kể đến nguồn gốc căn nguyên của bệnh là khí huyết bị ứ trệ, dạ dày bị nhiễm hàn chưa được chữa dứt điểm. Khi ngừng thuốc có nguy cơ bị tái phát sau một khoảng thời gian ngắn.

Trong YHCT, để giảm cơn đau nhanh người ta có thể dùng một số loại thực phẩm, thảo dược có tính nhiệt, nhằm trục xuất khí hàn ra khỏi vùng bụng. Sau đây là một số bài thuốc đơn giản sẵn có tại nhà giúp bạn nhanh chóng giải quyết cơn đau bao tử.

1.Chườm ấm bụng

Lăn nhẹ chai nước nóng trên bụng là cách cứu trợ khẩn cấp khi bị đau dạ dày. Lăn trong vòng năm phút rồi ngưng một thời gian, lặp lại quá trình này nhiều lần, cơn đau dạ dày sẽ giảm nhanh chóng.

2. Uống trà gừng

Lấy một củ gừng xắt mỏng từng lát và cho vào nước sôi, để nguội. Theo Đông y, gừng là gia vị cay, tính ấm, bổ tì, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Theo Tây y, gừng có các thành phần kháng viêm cũng như có tác dụng chống oxy hóa. Sử dụng một lát gừng tươi sẽ giúp bạn làm dịu cơn đau hay cơn co thắt của dạ dày.

Đặc biệt trà gừng rất tốt cho những ai bị cảm hàn dẫn đến đầy hơi khó tiêu, những ai vừa ăn đồ ăn biển như tôm cua ốc, bị trúng thực.

3. Nghệ mật ong

Lấy 3-5 muỗng cà phê bột nghệ xay và một thìa mật ong trộn lại rồi hoà với nước ấm. Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm, bổ tỳ vị, nhuận táo, trừ ho, giải độc, giảm đau, sát khuẩn, nhuận tràng. Nghệ có vị đắng cay, tính ấm vào 2 tạng can và tỳ. Có tác dụng phá huyết, thông kinh, hành khí, chỉ thống. Phối hợp hai loại thuốc này có thể nhanh chóng trung hòa dịch axít trong bao tử, trục hàn, kích thích hệ tiêu hoá hấp thu và lưu chuyển thức ăn tốt. Dùng lâu dài rất tốt cho người bị viêm loét dạ dày vì cả 2 vị thuốc này đều giúp chữa lành vết loét trên bao tử.

Bài thuốc này đặc biệt thích hợp cho ai ăn uống không điều độ, bị đau da dày do công việc căng thẳng, bị viêm loét dạ dày mạn tính.

Nếu không có sẵn bột nghệ, có thể lấy củ nghệ tươi, bào vỏ, sắt nhuyễn và trộn với mật ong rồi pha với nước ấm để uống.

Từng vị thuốc riêng là nghệ hay mật ong đều có tác dụng giảm đau dạ dày trong trường hợp bạn không có cả hai cùng một lúc.

4. Nước chanh

Trái với suy nghĩ của một số người cho rằng đau bao tử không nên uống nước chanh dễ bị xót ruột. Thực tế axít tự nhiên trong chanh có độ pH rất thấp, so với dịch dạ dày thì nước chanh có tính kiềm, giúp trung hoà dịch axít của dạ dày, kích hoạt hệ tiêu hoá hoạt động nhịp nhàng.

Nước chanh có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau bụng kèm theo chứng buồn nôn và ói mửa. Hãy trộn ba muỗng cà phê nước cốt chanh vào một ly nước ấm, uống ba lần mỗi ngày.

Những bài thuốc YHCT vừa đơn giản, lại rẻ tiền, mà hiệu quả có thể đến ngay tức thời. Theo phương pháp Tây Y, mỗi đợt điều trị thông thường kéo dài từ 2 tuần đến 2 tháng, thời gian và cường độ cơn đau giảm chậm. Kéo theo hệ lụy là ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống và công việc, chưa kể đến các tác dụng phụ có thể có của thuốc.

Vậy bạn hãy cân nhắc và chọn phương pháp điều trị phù hợp với mình nhé!

Thư Hùng

Xem thêm:

Exit mobile version