Đại Kỷ Nguyên

Khám phá Mông cổ: Y sĩ xưa chữa bệnh như đánh người, lợi ích sức khoẻ từ thảo nguyên bao la

Nói đến Mông Cổ người ta biết đến chuyện cỏ không mọc dưới chân vó ngựa, Thành Cát Tư Hãn từng viễn chinh thống lĩnh toàn thế giới. Nhưng bạn có biết nơi đây vốn là một thảo nguyên xanh yên bình, văn hoá đậm đà bản sắc và cũng có 1 nền y học dân gian rất đáng trân quý.

Tượng Thành Cát Tư Hãn

Cuộc sống gắn liền trên lưng ngựa, các y sĩ Mông Cổ rất giỏi việc trị chấn thương  

Vào triều Thanh, người ta thường lựa chọn một số thầy thuốc tộc Mông Cổ tinh thông liệu pháp nắn xương vào cung, gọi là y sĩ Mông Cổ. Trong cung nếu có thái giám ngã bị thương, thì đều do họ trị liệu. Chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, họ đã có thể trị khỏi bệnh.

Có viên Tề Tức thị lang người Thiên Đài, từ trên ngựa bị ngã xuống, bị thương ở đầu, rất đau đớn. Y sĩ Mông Cổ bèn dùng bọng đái trâu đắp lên đầu, kết quả lập tức không còn đau nữa.

Còn có một người, cũng bị ngã từ trên ngựa xuống, nhưng không cảm thấy đau chỗ nào, chỉ là khi hai chân muốn đi về phía trước thì lại thành lùi về phía sau. Lại mời y sĩ Mông Cổ đến trị liệu.

Y sĩ Mông Cổ không dùng thuốc, mà gọi đến hai thanh niên khỏe mạnh, đi ra ngoài sân trống, ném vị bệnh nhân này xuống. Ném xuống mấy lần rồi để ông ta xuống đất, bệnh nhân đi lại như thường, coi như bình thường.

Bệnh nhân này hỏi ông: “Đây là vì nguyên nhân gì?”

Y sĩ Mông Cổ bèn đáp: “Đây là vì ông ngã rất nặng, lá gan bị lật ngược, uống thuốc không có tác dụng, chỉ có quẳng xuống thế này, mới khiến lá gan lật trở lại.”

Một tiết mục múa đũa của người Mông Cổ do Đoàn nghệ thuật Shen Yun biểu diễn

Vào những năm Càn Long, y sĩ Mông Cổ trứ danh nhất là Giác La Y Tang. Ông làm nghề bó xương, dần dần trở thành cự phú. Ông dạy đồ đệ phương pháp này: trước tiên đem cây bút vót làm mấy đoạn, sau đó để đồ đệ dùng giấy bao đoạn bút lại, từng đoạn từng đoạn. Nếu như giấy không bị chọc thủng, thì chính là y thuật đã đạt rồi. Để họ chiểu theo phương pháp này mà tiếp cốt, thì tự nhiên rất hữu hiệu.

Đúng là:

Y đàn Hoa Hạ thật huyền áo,

Y sĩ cổ đại có nhiều mẹo.

Không cần kim tiêm và uống thuốc,

Đủ loại bệnh tật được trị liệu!

(Truyện từ «Thanh bái loại sao» – “Những câu chuyện vụn vặt triều Thanh”)

Lối sống du mục gần gũi thiên nhiên là bí quyết sống thọ sống khoẻ của người Mông Cổ

Những đồng cỏ xanh, con người thân thiện hay cơ hội rèn luyện sức khỏe với 10 km đi bộ mỗi ngày là điều bạn sẽ không bao giờ quên ở đất nước Mông Cổ.

Khác với hình dung của nhiều người, Mông Cổ là miền đất rộng hàng triệu cây số vuông nhưng không bị sa mạc hoá. Thiên nhiên nơi đây giống như một sân golf khổng lồ, với đồng cỏ xanh mênh mang trong nắng, những suối nước trong chỉ cách nhau khoảng chục km…

Môi trường Mông Cổ trong sạch, thiên nhiên thân thiện, không có rừng rậm, rắn rết côn trùng hay thú dữ rình rập. Khí hậu ở đây lại mát, lạnh, rất hợp với những người có cơ nhiệt nóng.

Nét hấp dẫn trong lịch sử và văn hoá Mông Cổ chính là cuộc sống nhà lều (người địa phương gọi là Ger) trên thảo nguyên mênh mông. Điều này hầu như không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, kể cả Tây Tạng và Nội Mông.

Một tiết mục múa đĩa của người Mông Cổ do Đoàn nghệ thuật Shen Yun biểu diễn

Dân số nước này chỉ có hơn 3 triệu, trong khi thủ đô đã chiếm hơn 1,5 triệu nên số còn lại trải đều trên khắp diện tích bao la. Họ ở trong những căn nhà lều của mình với lối du mục đây đó.

Con người Mông Cổ thân thiện, cởi mở với nguồn gốc cuộc sống du mục luôn phải di chuyển, học cách thích nghi với các điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau.

Một tiết mục múa bát của người Mông Cổ do Đoàn nghệ thuật Shen Yun biểu diễn

Thực phẩm ở đây rất sạch. Quốc gia New Zealand được biết đến với khẩu hiệu “100% Pure” (Tạm dịch: Tinh khiết 100%) cũng không so được với Mông Cổ vì mức độ thâm canh chăn nuôi, thức ăn công nghiệp và hoá chất nông nghiệp gần như là 0. Thịt bò Yak Mông Cổ giá chỉ khoảng 60.000 – 70.000 đồng. Bơ làm từ sữa bò Yak thơm, ít béo như bơ đặc, dùng pha với trà xanh để uống tăng nhiệt và chống lạnh cực tốt. Đây là một trong những đặc sản của người dân du mục ở Mông Cổ.

Mông Cổ không có nhiều tệ nạn của một nước đông dân như cướp giật, lừa đảo, bắt cóc, khủng bố, chặt chém, ô nhiễm… Là một nước châu Á nhưng Mông Cổ lại ảnh hưởng văn hoá châu Âu, thể hiện qua một số nét như gia vị và ẩm thực: bánh mì, sữa, gia vị nhạt không cay, khi ăn thì dùng dao nĩa…

Ngoài ra, vẻ đẹp của phụ nữ Mông Cổ thường được bình luận là điển hình Eurasia (nét hòa hợp Á – Âu), ngôn ngữ theo chữ cái Slav (ngôn ngữ của một nhóm chủng tộc tại khu vực châu Âu).

Khác với vùng Trung Á và Trung Đông đang bị hoành hành bởi nạn khủng bố, phiến quân nhà nước Hồi giáo cực đoan, phiến quân IS… Mông Cổ là một miền đất thanh bình, an toàn, rất thích hợp cho du khách phương xa đến khám phá.

Nếu như bạn quyết định đến “phượt” tại đây, hành trình phượt trung bình sẽ là 10km đi bộ mỗi ngày, điều này sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích  sức khỏe hơn nữa.

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version