Đại Kỷ Nguyên

Khám phá bí mật khiến cơ thể trở thành “Bách tà bất xâm”

Đông y vốn không có khái niệm vi khuẩn, virus. “Hoàng đế nội kinh” chỉ viết: “Hư tà tặc phong, tị chi hữu thì”, tức cơ thể người có bệnh là do tà khí bên ngoài xâm nhập. Tuy nhiên, cơ thể cũng có sẵn một chốt khóa để ngăn chặn tà khí này, mà ngay từ khi sinh ra chúng ta đã sử dụng rất thuần thục rồi.

Lý luận Đông y cho rằng, hoạt động tinh thần của con người bao gồm ngũ thần (Thần, Hồn, Phách, Ý, Chí) và ngũ chí (Hỉ, Nộ, Tư, Lo, Sợ). Toàn bộ hoạt động ý thức ngũ thần, ngũ chí này đều dựa vào chức năng điều tiết của ngũ tạng và do tim chủ đạo.

Có một người sau khi giải phẫu cấy ghép tim, phát hiện rằng tính cách đã thay đổi trở nên rất giống với tính cách chủ nhân của quả tim, điều này khiến bác sĩ Tây y rất kinh ngạc, vì nó cho thấy tim cũng có khả năng ghi nhớ. Tuy nhiên người Trung Hoa cổ đại đã biết điều này từ mấy ngàn năm về trước, trái tim không chỉ có trí nhớ, mà còn là “nhà” của “thần”.

Trong Hoàng đế nội kinh, tác phẩm kinh điển của nền y học Đông phương và là quyển sách gối đầu của các bậc danh y từ cổ chí kim, viết rằng: “Tim tàng thần, phổi tàng phách, gan tàng hồn, tỳ tàng ý, thận tàng chí”. Và tà khí dễ dàng xâm phạm vào cơ thể nhất là khi chúng ta đang ở trong thời điểm “Hồn bay phách lạc”.

Cơ thể con người hoàn toàn có thể bách tà bất xâm!

Theo Đông y cổ truyền, thì trẻ sơ sinh mới chính là đại trượng phu. Chúng có bản sắc trượng phu “Núi thái sơn có đổ cũng không hề lay chuyển”. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử nói: “Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ?”, nghĩa là trẻ sơ sinh chân khí lưu lại trong cơ thể chứ không tiêu tan, nên không có cảm giác sợ hãi.

Có người có thể nói, vì chúng không nhận thức được, không hiểu nên mới không sợ hãi. Kỳ thực, nguyên nhân thực sự là vì trong cơ thể của trẻ sơ sinh có những chốt khóa ngăn không cho khí hư tà từ bên ngoài xâm nhập vào.

Nếu chúng ta quan sát kỹ thì có thể thấy có một động tác mà trẻ sơ sinh làm rất nhiều lần, đó là nắm hai tay nắm lại, hơn nữa còn nắm rất chặt. Khi nắm tay, trẻ thường đặt đầu ngón tay cái vào vị trí chỗ cuối ngón áp út trong lòng bàn tay, và 4 ngón nắm chặt lấy ngón tay cái. Và chính vì nắm tay như vậy mà “hồn” của trẻ mới không bị tiêu tán nên trẻ mới không cảm thấy sợ hãi, khi “hồn thịnh” thì cũng đồng thời có tác dụng ngăn không cho tà khí xâm nhập vào cơ thể.

Tư thế “nắm cố” của trẻ sơ sinh. (Ảnh: ca.ntdtv.com)

Tại sao lại như vậy? Trước đó chúng ta đã nói qua về “Tâm tàng thần, gan tàng hồn”. Vị trí phía bên dưới của ngón áp út trong lòng bàn tay, chính là “môn hộ” nơi tàng hồn của gan. Đạo gia gọi kiểu nắm tay như trẻ sơ sinh vẫn làm là “nắm cố”, nghĩa là vững chắc không thể lay động. Khí huyết trong gan mật của trẻ sơ sinh rất đầy đủ, nên trẻ có thể nắm rất chặt, rất tự nhiên, người lớn khí huyết bị tổn nhiều, phải dùng nhiều lực nên sẽ không được tự nhiên như vậy.

Trong dưỡng sinh của Đạo gia cũng thường dùng một loại thế tay, đặt đầu ngón tay cái vào trong lòng bàn tay, chỗ cuối ngón áp út, rồi gập 4 ngón kia lại, dùng lực nhẹ nắm lấy ngón cái, giống như cách trẻ sơ sinh nắm tay vậy.

Nắm cố sẽ giúp chúng ta “định hồn”, nếu thực hiện thường xuyên thì “hồn” sẽ luôn thịnh, và cơ thể hoàn toàn có thể “bách tà bất xâm”.

Lê Hiếu, theo soundofhope.org

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version