Đại Kỷ Nguyên

Hội chứng chân bồn chồn: Điều trị như thế nào?

Mất ngủ vì chân bồn chồn

Hãy tưởng tượng đó là thời điểm kết thúc của một ngày dài. Đúng vào buổi tối khi bạn thư giãn nghỉ ngơi, đôi chân lại bắt đầu thấy đau nhức, bứt rứt, và muốn cử động không kiểm soát được. Khi các triệu chứng nặng lên, bạn sẽ phải lắc, xoa bóp chân hay kéo căng các chân để làm dịu đi.

Mặc dù đã mệt mỏi, trong thâm tâm bạn cầu mong nghỉ ngơi, nhưng đôi chân vẫn phải cử động để giải tỏa cơn khó chịu.

Đó là chính là cảnh sống chung với Hội chứng chân không yên (RLS – Restless Leg Syndrome) hay còn gọi là chân bồn chồn – một tình trạng có ảnh hưởng đến 10-15% người Mỹ.

Hiện nay không có xét nghiệm nào để chẩn đoán hội chứng này, nhưng các bác sĩ thường dùng 4 tiêu chuẩn cơ bản sau:

Theo các nghiên cứu, hội chứng chân bồn chồn tác động đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, ở người trưởng thành nhiều hơn trẻ em, nhưng người ta chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh là gì.

Mặc dù sự thôi thúc phải di chuyển đôi chân mệt mỏi có thể mang lại phiền toái, nhưng vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ RLS gây ra mất ngủ. Hội chứng này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1672 bởi bác sĩ người Anh là Thomas Willis. Ông quan sát thấy những triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn đến mức người bệnh sẽ “không thể ngủ thêm được nữa nếu họ đang ở trong cao điểm của cơn tra tấn”.

Cuối cùng, ngay cả khi bệnh nhân chìm vào giấc ngủ vì mệt, các triệu chứng có thể vẫn tiếp tục kéo dài. Theo Viện nghiên cứu quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ, hơn 80% người mắc RLS có trải nghiệm “chân tự ý co giật hoặc giật mạnh trong khi ngủ, thường xảy ra mỗi 15 – 40s một lần, đôi khi diễn ra suốt đêm”.

Điều trị thế nào?

Đang trong cơn tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp cho giấc ngủ, người mắc chứng chân không yên thường tìm đến thuốc an thần (benzodiazapenes), thuốc giảm đau (opioid), thậm chí dùng thuốc chống co giật để chấm dứt triệu chứng liên miên.

Loại thuốc duy nhất được chấp nhận trong điều trị bệnh RLS là thuốc kháng dopamine – thuốc cũng được sử dụng để điều trị hội chứng Tourette và Parkinson.

Những thuốc này, bao gồm các thuốc Requip, Miraprex và Neupro, giúp tình hình dịu đi nhưng lại khá đắt. Tác dụng phụ phổ biến là gây ra cho người dùng các ảo giác, và họ được cảnh báo không nên lái xe, thao tác máy móc và leo thang.

Theo trường y Harvard, thuốc kháng dopamine dùng điều trị RLS có thể mất dần tác dụng theo thời gian. Nhiều trường hợp thấy triệu chứng quay trở lại hoặc nặng lên khi sử dụng liên tục.

Giải pháp điều trị thay thế

Mặc dù đã được phát hiện khoảng một thế kỷ nay, song gần đây mọi người mới thừa nhận rộng rãi hội chứng này. Bác sĩ Karl-Axel Ekbom là người đầu tiên đặt tên là Hội chứng chân không yên vào năm 1945, nhưng cũng chỉ 20 năm đổ lại đây khái niệm này mới đến được với công chúng.

Những thầy thuốc cổ truyền không có phương pháp đặc hiệu đối với RLS, nhưng họ chắc chắn đã quen thuộc với các triệu chứng tương tự.

Ví dụ, trong Trung y truyền thống, chân tay bồn chồn là một triệu chứng của nội phong – bệnh gây nên cử động quá mức. Ngày nay, nhiều người chuyển sang châm cứu để điều trị làm giảm RLS. Một nghiên cứu trong năm 2011 cho thấy những người sử dụng thuốc kháng dopamine có thể dừng hoặc giảm đáng kể lượng thuốc nếu điều trị bằng châm cứu. Mát-xa, nắn xương khớp, các thế yoga nhất định cũng có thể giúp giải quyết các triệu chứng của RLS.

Một trong báo cáo tổng kết đăng trên tạp chí American Herbalist Guild, Erin Holden đã thảo luận về những thảo dược có dược tính trên RLS. Cô khuyến cáo các loại thảo dược đã biết đến với công dụng an thần và thư giãn, chẳng hạn như cỏ long ba, thiên ma (black cohosh), cây lạc tiên, cây nữ lang và lobelia. Những thảo dược khác có tác dụng chống viêm (như nghệ) và tăng cường tuần hoàn (ớt đỏ) cũng có thể giúp ích.

Người nào có nguy cơ cao?

Trong khi nguyên nhân căn bản gây RLS vẫn còn chưa biết, các nhà nghiên cứu đã tìm được một vài kết quả thú vị. Ví dụ, nhiều bệnh nhân đang lọc thận mắc RLS, và có thể sau đó thấy triệu chứng RLS biến mất sau khi cấy ghép thận. RLS cũng thường thấy ở những người thiểu năng tuyến giáp, đái đường, rối loạn khả năng tập trung.

Phụ nữ mang thai cũng có thể mắc RLS, nhưng nó thường biến mất sau khi sinh con 1 tháng hoặc nhiều hơn. Một số cho rằng giai đoạn cuối của thai kỳ đã gia tăng thêm áp lực lên cột sống, gây tổn thương những dây thần kinh chi phối trực tiếp chi dưới.

Hội chứng RLS dường như cũng có liên quan đến sự thiếu hụt các vitamin và một số khoáng chất nhất định. Nhiều người đã thấy các triệu chứng thuyên giảm nhờ bổ sung các chất thiếu hụt và thay đổi chế độ ăn. Thiếu sắt là phổ biến nhất, tuy nhiên axit folic và magie cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Một số nghiên cứu đã nhận thấy rằng bổ sung thêm vitamin D có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng. Ngoài ra cũng có các bằng chứng khác ủng hộ việc cần bổ sung thêm vitamin C và E.

Ảnh hưởng của lối sống

Cho tới nay, không có ma thuật nào cho RLS, nhưng một số thói quen có xu hướng dẫn đến xuất hiện các triệu chứng, như cafein, thuốc lá, rượu. Thuốc dị ứng không cần kê đơn, thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm cũng được xác định là nguyên nhân khởi phát RLS.

Các chuyên gia cho biết luyện tập thói quen ngủ tốt hơn cũng có thể làm giảm các triệu chứng. Hãy cố định thời điểm bạn bắt đầu đi ngủ mỗi đêm, kể cả vào cuối tuần. Đồng hời hãy thức giấc vào một giờ cố định. Nên tạo sự ưu tiên cho giấc ngủ.

Cuối cùng, hãy để đôi chân bạn di chuyển như ý nó, nhưng chỉ vào thời điểm bắt đầu một ngày mới. Nghiên cứu cho thấy lối sống tĩnh ít vận động góp phần gây nên những triệu chứng của RLS. Theo Quỹ về Hội chứng chân không yên, tập thể dục thường xuyên sẽ giảm 3,3 lần khả năng mắc bệnh. Một nghiên cứu khác phát hiện hoạt động thể chất hàng ngày có thể làm giảm đến 40% triệu chứng.

Để giữ khoảng cách với chứng chân không yên, hãy đảm bảo dành 30-60 phút tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Nhưng hãy tập đơn giản thôi vì các động tác mạnh hoặc thái quá sẽ làm tình hình xấu đi. Hãy tìm những bài tập bạn yêu thích và chọn những bài vận động chú trọng đến đôi chân.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Đại Hải biên dịch

Exit mobile version