Đại Kỷ Nguyên

Hóc thạch rau câu, bé 11 tháng tuổi ở Tp.HCM tử vong

Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) đã tiếp nhận bệnh nhi bị hóc dị vật, toàn thân tím tái, hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở…

Theo VTV, trước đó, bệnh nhi có ăn thạch rau câu và bị sặc. Người nhà đã nhanh chóng đưa vào bệnh viện tuyến để cấp cứu.

Các bác sĩ đã hồi sức tim phổi 30 phút nhưng đồng tử 2 bên của bé dãn, không còn phản xạ thần kinh, ngưng tim ngưng thở.

Sau đó, bé được chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 2 để cấp cứu. Tuy nhiên, theo bác sĩ, tình trạng bé đã quá nặng, không thể cứu.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trao đổi với VnExpress, hóc dị vật đường thở là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, nếu không nhận biết và xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều hậu quả đáng tiếc.

(Ảnh: Vietnamnet)

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết, việc phát hiện, nhận biết và xử trí đúng hóc dị vật là cực kỳ quan trọng. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý.

Mọi người cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất nôn lại càng nguy hiểm hơn.

– Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.

– Trường hợp trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

– Bố mẹ nên quan tâm và để ý sát sao đến trẻ, đặc biệt trong lúc chơi. Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng ngậm.

– Tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng. Không nên để cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa…

– Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, phụ huynh không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ bởi vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.

– Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, không để trẻ vừa ăn vừa chơi.

– Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Phương Nam

Exit mobile version