Đại Kỷ Nguyên

Hóc hạt trân châu, bé gái 11 tuổi ở TP HCM tử vong

Do hạt trân châu bị kẹt trong ống, bé gái 11 tuổi (TP. HCM) đã hút mạnh khiến hạt bay vào cuống họng, gây nghẹt đường thở. Người mẹ là bác sĩ chuyên khoa hô hấp đã nỗ lực sơ cứu nhưng bé gái đã không qua khỏi. 

Chiều 7/8, trên trang cá nhân của bác sĩ Phạm Xuân Trung (Trung tâm Y khoa Medic, TP.HCM) có chia sẻ câu chuyện thương tâm về trường hợp bé gái 11 tuổi thiệt mạng do hóc hạt trân trâu khi uống trà sữa. Mặc dù mẹ cháu bé là bác sĩ chuyên khoa về hô hấp, chị cũng áp dụng mọi biện pháp sơ cứu, nhưng cuối cùng bà mẹ ấy cũng đành bất lực, theo VnExpress.

Bài chia sẻ của bác sĩ Trung (Ảnh: Facebook Phan Xuân Trung)

Tai nạn này xảy ra một tháng trước nhưng đó lag bài học rút ra là cách ăn uống an toàn sức khỏe.

Bác sĩ Trung cho biết thêm, trà sữa trân trâu không phải là nguyên nhân gây tai nạn. Thức ăn truyền thống cũng có nhiều món dạng hột, làm bằng bột dẻo như đậu đỏ bánh lọt, chè trôi nước, rau câu, thạch dừa… Vấn đề ở đây là việc dùng ống hút để hút mạnh sẽ làm lọt thức ăn vào thanh quản, đường thở… Sự tắc nghẽn không chỉ do dị vật ngáng đường thở, mà còn do phản xạ khép thanh môn…

Trong trường hợp này, nước trà có thể bắn vào phế quản gây phản xạ khép thanh môn gây ra nghẹt thở cho cháu bé, cùng với ảnh hưởng của hạt trân châu trong đường thở khiến cháu bị ngạt.

Đồng tình với quan điển trên, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ với Pháp Luật TP. HCM, không chỉ hạt trân châu mà các loại thức ăn có dạng tròn, khiến trẻ phải dùng lực mạnh hút được cũng dễ dẫn tới tai nạn. Nếu sơ cứu không đúng hoặc không hiệu quả sẽ gây ngưng tim ngưng thở và có thể tử vong.

(Ảnh: Ecomedic)

Hiện nay, các nguyên liệu làm trà sữa trôi nổi, không có nhãn mác, giá thành rẻ được bày bán trà lan trên thị trường, rất khó để kiểm tra chất lượng. Vì vậy, nếu bố mẹ cho trẻ uống, cần đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn hoặc tự làm ở nhà. Ngoài ra, khi cho trẻ ăn hạt trân châu, cần múc bằng muỗng, thìa thay vì dùng ống hút lớn.

Sơ cứu khi trẻ hóc dị vật

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý.

– Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.

– Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

Phụ huynh cũng nên nắm được vài cách sơ cứu đơn giản để có thể cấp cứu bé sớm nhất, phòng tránh nguy cơ tử vong do hóc dị vật gây ra.

Cách sơ cứu trẻ dưới 2 tuổi hóc dị vật (nguồn: Vietnamnet).

Cách sơ cứu trẻ trên 2 tuổi hóc dị vật (nguồn: Vietnamnet).

Huyền Hương

Exit mobile version