Đại Kỷ Nguyên

Hễ mệt là truyền dịch – quan niệm sai lầm có thể gây tử vong

Nhiều người có tâm lý hễ hơi mệt, mất ngủ, thậm chí hoàn toàn khỏe mạnh cũng truyền dịch để tăng sức đề kháng, bổ sung vitamin cho cơ thể. Tuy nhiên, thói quen này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như sốc phản vệ, tổn thương nội tạng, tử vong…

Mới đây, bé V.T.H (13 tuổi, Tuyên Quang) bị tràn dịch màng phổi, suýt chết do tự ý truyền dịch tại nhà. Trước đó, tại Bình Định, một bệnh nhân đã tử vong sau khi truyền nước lúc cơ thể đang mệt.

Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Nguyễn Thuỳ Ngoan, Trưởng khoa khám bệnh Phòng khám Y học Cổ truyền Sài Gòn, các chỉ số trong máu về các chất dinh dưỡng như đạm, đường, muối, chất điện giải… trong cơ thể người bình thường luôn ở mức trung bình. Nếu một trong các chỉ số thấp hơn mức cho phép thì mới cần truyền dịch để bù đắp.

Việc tự ý truyền dịch khi đang mệt mỏi là không khoa học. Dịch truyền là thuốc và được sử dụng trong trường hợp cấp cứu, hoặc trong bệnh nhân không thể uống thuốc. Đối với những người bị suy nhược thể nhẹ, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, cơ thể sẽ dần dần hồi phục. Dịch thuốc chỉ truyền khi có chỉ định của bác sĩ và nên lựa chọn cơ sở y tế chất lượng để đảm bảo an toàn.

Một số biến chứng nguy hiểm khi truyền nước biển

– Sốc phản vệ: Sau khi truyền dịch, người bệnh sẽ cảm thấy rét run, sốt cao đột ngột, tụt huyết áp, tay chân lạnh, tim đập nhanh, khó thở… Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

– Tổn thương các cơ quan: Việc truyền nước biển quá liều dễ rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải, gây hiện tượng phù tim, viêm tĩnh mạch, phù não, phù thân…

– Nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm: Việc truyền nước biển không đúng quy chuẩn, không đảm bảo vệ sinh làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C…

Lưu ý khi truyền dịch

– Trước khi truyền dịch, bệnh nhân phải được xét nghiệm máu để biết chỉ số trung bình về đường, muối, các chất điện giải trong máu… Dựa vào kết quả sinh hóa, bác sĩ sẽ quyết định có cần truyền dịch cho bệnh nhân hay không và truyền với liều lượng thế nào.

– Bệnh nhân không tự ý đến cơ sở y tế, quầy dược hoặc mời bác sĩ về nhà truyền dịch khi chưa được xét nghiệm, kết luận từ phía bác sĩ.

– Trong quá trình truyền, nên cho dịch chảy chậm. Nhân viên y tế phải thường xuyên theo sát bệnh tình bệnh nhân.

– Trẻ bị sốt không truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, nguy cơ gây phù não.

– Các cơ sở y tế phải có thuốc chống choáng, sốc phản vệ… để cấp cứu kịp thời nếu không may xảy ra tai biến.

– Khi đang truyền dịch, nếu cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm… bệnh nhân phải báo với nhân viên y tế để kịp thời xử lý, tránh những biến chứng nguy hiểm.

​​​​​​

Lan Phương

Exit mobile version