Đại Kỷ Nguyên

Giải pháp sống chung với bệnh đái tháo đường

Bệnh Đái tháo đường còn gọi là bệnh Tiểu đường hay bệnh Dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hormon Insulin của tuyến tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể.

Ở Việt Nam có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc bệnh Đái tháo đường, trong số đó có 65% số người biết mình mắc bệnh và tỉ lệ biến chứng ngày càng tăng.

Biểu hiện của bệnh Đái tháo đường:

Thường là bằng mức đường trong máu luôn cao thể hiện ở chỉ số xét nghiệm máu.

Trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu vào ban đêm và do đó làm bệnh nhân hay khát nước. Bệnh Đái tháo đường thường có nhiều biến chứng, là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư…

Đái tháo đường là một bệnh mãn tính, có yếu tố di truyền, do hậu quả tình trạng thiếu Insuline tuyệt đối hay tương đối. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết cùng với các rối loạn chuyển hóa đường – đạm – mỡ và chất khoáng.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh Đái tháo đường thường xảy ra ở người có tiền căn gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột bị Đái tháo đường, người rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu đặc biệt người có tăng triglyceride, người thừa cân hay béo phì, người có tuổi trên 40.

Phân loại bệnh Đái tháo đường:

Các nhà y học phân loại bệnh Đái tháo đường thành 3 loại, bao gồm:

Đái tháo đường tuýp I là do tụy tạng hoàn toàn không tiết ra được Insulin;

Đái tháo đường tuýp 2 do Insulin được tụy sản xuất ra chỉ một phần không đủ cho cơ thể chuyển hóa hết lượng đường cơ thể ăn vào hoặc cơ thể đề kháng với Insulin;

Loại Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng bệnh xảy ra trong giai đoạn mang thai;

Đái tháo đường thứ phát là tình trạng bệnh xảy ra sau một bệnh nào đó như sau phẫu thuật cắt bỏ tụy, viêm tụy mạn…

Tổn thương bàn chân do Đái tháo đường

Cách phát hiện bệnh Đái tháo đường:

Có 3 cách để giúp người bệnh phát hiện ra bị bệnh Đái tháo đường.

Cách thứ nhất là xét nghiệm đường huyết (Glycemie) lúc đói, khi đã nhịn ăn trên 8 giờ. Bình thường đường máu trung bình là từ 60 đến 110 mg/dl (3,6 – 6,4 mmol/l), nếu đường máu lúc đói trên 126 mg/dl được kiểm tra 2 lần thì bị bệnh Đái tháo đường.

Cách thứ 2 là xét nghiệm đường máu bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nếu đường máu trên 200 mg/dl kèm theo các triệu chứng như ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thì chẩn đoán bệnh Đái tháo đường.

Cách thứ 3 bằng cách xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi uống 75 gram  đường glucose, nếu đường huyết trên 200 mg/dl thì chẩn đoán bệnh Đái tháo đường.

Giải pháp sống chung với bệnh Đái tháo đường:

Bệnh Đái tháo đường có tính chất của bệnh điều trị kéo dài, thậm chí đến hết cuộc đời. Vì vậy, cần có giải pháp phòng bệnh Đái tháo đường. Trước hết, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức nhất định về bệnh Đái tháo đường, cần thay đổi lối sống để có thói quen vận động thể lực, thay đổi thói quen ăn nhiều đường, nhiều bánh ngọt…

Vận động thể lực: nên chọn cho mình một phương pháp luyện tập cho phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn cảnh sống cả về thời gian lẫn kinh tế. Duy trì vận động từ 15 đến 30 phút mỗi ngày, hay tập tới lúc đổ mồ hôi là được. Bởi vì, vận động cơ bắp mà các nhà nghiên cứu thấy rằng sẽ xúc tác được Insulin chuyển hóa được lượng đường ở ngoại vi, giảm được tính đề kháng của Insulin. Vận động thể lực giúp kiểm soát được cân nặng của cơ thể, đặc biệt làm giảm Cholesteron và Triglycerid trong máu.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì?

Chế độ ăn uống: khẩu phần ăn nên  cân đối cho phù hợp với từng lứa tuổi, tránh ăn quá no trong mỗi bữa ăn, tránh ăn nhiều tinh bột và đường. Cần ăn nhiều chất xơ, nhiều trái cây, vì trái cây có rất ít chất đạm và kể như không có chất béo (trừ những ngoại lệ như trong trái bơ chất béo có tới 6,1%, trong sầu riêng chất béo có 3%). Trái cây còn cung cấp một lượng muối khoáng và vitamin, đáng kể nhất là lượng Kali, Calci và Magiê.

Khám sức khỏe định kỳ: Một việc làm không thể thiếu được, đó là kiểm tra lượng đường huyết định kỳ, tốt nhất là 6 tháng một lần. Để từ đó có hướng điều chỉnh chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và phương thức điều trị bệnh một cách hợp lý nhất.

Lê Châu (Tổng hợp)

Exit mobile version