Đại Kỷ Nguyên

Gia tăng bệnh nhân đột quỵ nhập viện do nắng nóng

Nắng nóng là một trong những nguyên nhân khiến số ca đột quỵ gia tăng. Theo thống kê tại bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày khoa cấp cứu, tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ.

Các tỉnh thành miền Bắc và Trung bộ đang phải hứng chịu đợt nắng nóng với nền nhiệt độ nhiều nơi lên tới 40-41 độ C. Thời gian nắng nóng ngột ngạt kéo dài hơn 10h/ngày, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.

Thời tiết nắng nóng kéo theo bệnh lý vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao là tai biến mạch máu não. Điều đáng nói, đột quỵ không chỉ xảy ra đối với người già, mà cả người trẻ nguy cơ tai biến cũng tăng nhanh.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS.TS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng mô não.

Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết. Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.

Các chuyên gia cảnh báo, mọi người thường không có thói quen đưa người bệnh đi bệnh viện khi bị đột quỵ. Ban đầu, thấy các triệu chứng nhẹ nên nhiều người chủ quan, thường để bệnh nhân ở nhà hoặc dùng các bài thuốc truyền miệng, gây nguy hiểm tính mạng

Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đưa đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ.

6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng:

1. Thân nhiệt tăng cao

Người phải làm việc hay trẻ em chơi ngoài trời nắng, nếu bị đột quỵ, nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 40-41 độ C hoặc cao hơn.

2. Tim đập nhanh

Ở người bị đột quỵ, tim thường đập nhanh hoặc loạn nhịp. Khi nhịp tim đập quá nhanh có thể hình thành các cục máu đông. Những cục máu đông này nếu bị vỡ rời, nó có thể đi lạc đến các bộ phận khác và cản trở một động mạch não gây ra cơn đột quỵ

3. Thở dốc

Thân nhiệt tăng kèm theo biểu hiện thở dốc, hơi thở yếu là biểu hiện rõ nét của đột quỵ do nắng. Tình trạng này dễ gặp ở trẻ em mải chơi ngoài trời nắng lâu.

4. Buồn nôn

Chóng mặt, buồn nôn cũng là dấu hiệu của cơn đột quỵ. Thậm chí, bệnh nhân còn có thể nôn rất nhiều.

5. Vã mồ hôi

Da sẽ trở nên khô và nóng sau một thời gian đổ mồ hôi. Khi thời tiết quá nắng nóng, cơ thể người sẽ bị nóng và toát mồ hôi nhiều. Khi thấy cơ thể toát mồ hôi nhiều, kèm theo mệt mỏi thì đó là biểu hiện của đột quỵ do nắng.

6. Đau đầu dữ dội

Đau đầu dữ dội, đột ngột là triệu chứng nặng và cũng khá phổ biến ở người bị đột quỵ.

Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng

Nếu gặp trường hợp đột quỵ do nắng nóng, nên gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc chuyển nạn nhân tới bệnh viện.

Trong khi chờ cấp cứu, đưa nạn nhân vào một nơi râm mát, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu thấy nạn nhân quá nóng, hãy dùng mọi cách làm mát cho họ như dùng quạt để làm mát, áp khăn ướt lên người nạn nhân.

Có thể chườm nước đá ở các vùng bẹn, nách – những khu vực có nhiều mạch máu gần với da, khi làm mát có thể giúp giảm nhiệt độ của cơ thể.

Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập), phải hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

– Hà hơi thổi ngạt: Để nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, đặt một khăn mùi xoa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.

– Ép tim ngoài lồng ngực: Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 30 lần/1 phút cho đến khi tim đập và thở trở lại.

Lưu ý

– Mọi người nên hạn chế ra ngoài trong tiết trời nắng nóng.

– Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít/ngày.

– Không hoạt động quá sức.

– Luôn mặc áo chống nắng, đeo kính… khi đi ngoài đường.

– Tăng cường rau củ quả để giải nhiệt cơ thể.

– Những người mắc các bệnh mạn tính tăng huyết áp, mỡ máu, đái đường… cần hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng.

Lan Phương

Exit mobile version