Đại Kỷ Nguyên

Dùng túi ni lông sai cách, nhiều người đang tự rước bệnh vào thân

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay người Việt Nam sử dụng phần lớn túi ni lông tái chế, gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người tiêu dùng. 

Loại túi ni lông tái chế này siêu rẻ vì chúng được làm từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, có thể là các hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu… Do đó túi ni lông nhiễm phải các kim loại nặng như cadimi, chì là không thể tránh khỏi. Đây chính là những chất gây bệnh ung thư. Hơn nữa, quá trình chế biến sẽ cần nhiều chất phụ gia hóa học độc hại.

Túi ni lông hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78-80 độ C sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi ni lông, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.

Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.

Phần lớn người Việt Nam hay dùng hộp xốp để đựng đồ ăn. Ảnh dẫn theo baomoi.com

Rất nhiều nghiên cứu khẳng định túi ni lông đe dọa mạng sống con người

Nghiên cứu của đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy đựng thực phẩm trong túi ni lông hay túi nhựa nói chung đều có thể gây ra những nguy hiểm về sức khỏe khi xét về thành phần hóa chất tạo nên: BPA và DEHP. BPA có liên quan đến bệnh béo phì và khiến vòng eo lớn hơn ở nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học (NTP) và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) cho thấy, BPA còn tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Đây cũng là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao.

(Ảnh dẫn theo afamily.vn)

Theo Viện Nông nghiệp và Chính sách Thương mại Mỹ, các loại túi nhựa được làm từ polyethylene mật độ cao hoặc polyethylene mật độ thấp và thường được mã hóa nhãn số 2 hoặc 4. Khi thực phẩm được lưu trữ trong các túi nhựa các hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn và sau đó được hấp thụ vào cơ thể, kể cả với các dạng màng bọc thực phẩm. Theo thời gian các hóa chất trong túi ni lông sẽ làm thay đổi mô, tổn thương di truyền, lỗi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm và những thay đổi nội tiết tố. Ở trẻ em, hóa chất chứa trong túi ni lông có thể gây hại đến hệ thống miễn dịch và kích thích làm gián đoạn các vấn đề về hành vi, nhận thức…

Do vậy, để giảm thiểu được nguy cơ nói trên, khi dùng túi ni lông, cần lưu ý một số điểm như:

  1. Nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước.
  2. Hạn chế đựng các thức ăn nóng, chua, cay, nhiều dầu mỡ… trong túi nhựa.
  3. Rút ngắn thời gian tiếp xúc giữa thực phẩm và túi nhựa đến mức ít nhất có thể.
  4. Tuyệt đối không dùng màng bọc thực phẩm ni lông lên bề mặt thức ăn để hâm nóng trong lò vi sóng. Sau khi bị quay nóng trong lò vi sóng tới 300 – 500 độ C, các màng bọc ni lông này bị chảy nhão và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn.

Minh Thành T/h

Exit mobile version