Đại Kỷ Nguyên

Đừng chủ quan với căng thẳng mãn tính, nó có thể gây ung thư

Theo Y học cổ truyền, cảm xúc thái quá (quá mức) là tác nhân gây ra hỗn loạn khí. Mọi cảm xúc đều tương ứng với một cơ quan nội tạng trong cơ thể, khi cảm xúc đạt lên trạng thái quá mức, cơ thể sẽ dễ sinh ra bệnh. Một số nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, stress kéo dài có thể gây bệnh tật, thậm chí là ung thư. Trong khi đó, gìn giữ năng lượng tích cực là mang lại hạnh phúc cho con người.

Trong xã hội ngày nay, mọi người đều phải đối mặt với vấn đề ‘stress’ (căng thẳng). Một lượng áp lực ít có thể có ích, nhưng căng thẳng quá mức về thân và tâm sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe. Người ta có 7 thứ tình chí biểu đạt cảm xúc của con người: Hỷ (hạnh phúc), nộ (giận dữ), ưu (buồn bã), tư (lo lắng), bi (buồn bã), khủng (sợ hãi) và kinh (hốt hoảng). Nếu có thể giữ cảm xúc ở mức bình thường thì sẽ không gây ra bệnh tật. Tuy nhiên, cảm xúc thái quá sẽ tạo ra sự khó chịu trong cơ thể.

Ảnh hưởng của 7 thứ tính chí lên thân thể người

Đông Y tin rằng mục đích chân chính của việc giữ gìn sức khỏe là giữ cho tâm lý và thể chất được cân bằng vào mọi lúc. Một tâm trạng thoải mái vừa đủ sẽ cân bằng khí và huyết. Cảm xúc thái quá sẽ tác động tới nội tạng, gây hỗn loạn khí trong nội tạng và dẫn đến mắc bệnh.

Khi người ta cực kỳ hạnh phúc, khí ở tim của họ bị đình trệ và tâm của họ trở nên rối loạn. Tim sẽ đập nhanh, xuất hiện chứng mất ngủ và mất cân bằng về tâm thần. Nếu nghiêm trọng, họ có thể cười không ngớt và hành động không mục đích. Đó gọi là: “Hỷ thương Tâm”, vui mừng quá độ dẫn đến mất khí.

Khi người ta hoảng hốt, khí ở tim trở nên rối loạn, gây ra hoang mang, hồi hộp, mất ngủ, lo lắng và thậm chí là rối loạn tâm thần. Đó gọi là: “Kinh thương Tâm”, hốt hoảng làm khí hỗn loạn.

Khi người ta giận dữ, họ sẽ trở nên mất kiên nhẫn, đau đầu, đỏ mặt hay thậm chí ngất xỉu. Đây gọi là: “Nộ thương Can”, tức giận làm khí thăng.

Khi người ta lo lắng, có thể tác động đến Tỳ Vị, làm gia tăng những triệu chứng ăn mất ngon miệng, thậm chí là buồn nôn và nôn mửa. Đây gọi là: “Tư thương Tỳ”, lo lắng làm cho khí bị nê trệ.

Khi quá buồn bã, người ta sẽ mất giọng và không thể nói với khí lực sung mãn, trở nên chán nản, tức ngực, khó thở. Đó gọi là: “Ưu, Bi thương Phế”, buồn bã gây ra mất khí.

Khi quá sợ hãi, người ta sẽ trở nên xanh xao, hoa mắt chóng mặt hay thậm chí suy sụp. Vài người sẽ không thể kiềm chế được mà tiểu tiện mất tự chủ. Đó gọi là: “Khủng thương Thận”, sợ hãi làm khí hạ hãm.

Như vậy, làm thế nào để chúng ta có thể kiểm soát được những cảm xúc bên trong để không bị quá dư thừa? Dưới đây là một số nghiên cứu chỉ ra rằng, biểu cảm của thân thể có thể tác động đến cảm xúc, ngược lại, cảm xúc cũng có thể tổn thương cơ quan thực thể của con người.

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”

“Chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc hơn một chút nếu chỉ đơn giản là mỉm cười. Hoặc chúng ta có thể có tâm trạng giận giữ hơn nếu biểu hiện cau có”, Nicholas Coles, nghiên cứu sinh tâm lý học xã hội tại Đại học Tennessee, Knoxvill cho biết.

Sử dụng một kỹ thuật thống kê được gọi là phân tích tổng hợp, Coles và nhóm của ông đã kết hợp dữ liệu từ 138 nghiên cứu kiểm tra hơn 11.000 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Theo kết quả phân tích tổng hợp, biểu cảm khuôn mặt có tác động nhỏ đến cảm xúc. Ví dụ, mỉm cười khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn, cau có khiến họ cảm thấy tức giậncau mày khiến họ cảm thấy buồn hơn.

Dân gian có câu: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. (Ảnh: Pixabay)

“Chúng tôi không nghĩ rằng mọi người có thể mỉm cười theo cách của họ để hạnh phúc hơn. Nhưng những phát hiện này rất thú vị bởi vì chúng cung cấp manh mối về cách tâm trí và cơ thể tương tác để hình thành trải nghiệm cảm xúc có ý thức. Chúng ta vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về các hiệu ứng phản hồi khuôn mặt, nhưng phân tích tổng hợp này đưa chúng ta đến gần hơn một chút để hiểu cảm xúc hoạt động như thế nào”, nhà Tâm lý học Coles chia sẻ.

Stress mạn tính có thể dẫn đến ung thư

Tuổi tác, tiền sử gia đình, hút thuốc lá, tiếp xúc với phóng xạ… là một số yếu tố nguy cơ gây ung thư mà hầu hết mọi người đều biết. Theo các cơ quan y tế, bạn có thể liệt kê stress (căng thẳng) mãn tính vào danh sách này.

Nếu bạn đang có một cuộc sống hàng ngày rất căng thẳng, hãy tiếp tục đọc bởi vì bài viết này liên quan đến bạn. Dưới đây lý do tại sao căng thẳng mọi lúc có thể làm tăng khả năng bạn bị ung thư vào một ngày nào đó.

Căng thẳng được liệt kê vào danh sách những yếu tố nguy cơ gây ung thư. (Ảnh: Pixabay)

Căng thẳng đôi khi thực sự có ích vì thúc ép bản thân bạn hoàn thành các nhiệm vụ dường như không thể trong thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác nếu bạn bị căng thẳng liên tục. Không có gì bí mật rằng căng thẳng mãn tính có một số rủi ro về sức khỏe và đứng đầu danh sách là bệnh tim. Các chuyên gia nói rằng quản lý căng thẳng kém cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Lý do là căng thẳng không được kiểm soát có thể làm suy yếu đáng kể hệ thống miễn dịch – cơ chế phòng vệ của cơ thể bạn luôn luôn đề phòng vi khuẩn xâm nhập cũng như các tế bào hoạt động thất thường có thể dẫn đến sự phát triển ung thư.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hiện diện của rất nhiều hormone gây căng thẳng trong cơ thể có thể gây ra sự tăng sinh của các tế bào ung thư. Một trong những hormone gây căng thẳng được gọi là norepinephrine cho phép các khối u phát triển nhiều mạch máu hơn, mở đường cho sự phát triển và lan rộng nhanh hơn nhiều của chúng.

Có một yếu tố nữa là rất nhiều người có các hành vi hoặc thói quen không lành mạnh bất cứ khi nào họ bị căng thẳng. Ví dụ, hút thuốc lá – có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cũng như ung thư miệng, cổ họng, thực quản và dạ dày… Một số người uống rượu quá mức, và đó cũng là một yếu tố nguy cơ đối với nhiều loại ung thư.

Thêm vào đó, có những người khi căng thẳng thì ăn uống theo cảm xúc. Việc tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh có thể gây ra béo phì, dễ dàng để ung thư tấn công. Một người thường xuyên bị căng thẳng có thể không quan tâm đến tập thể dục một cách thường xuyên, do đó làm tăng nguy cơ bị béo phì hoặc thừa cân.

Để giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư, hãy đảm bảo rằng bạn tham gia vào tất cả các hoạt động giảm căng thẳng như massage, nghe nhạc êm dịu, ăn uống lành mạnh hoặc thiền định… tránh xa các thói quen xấu.

Tìm kiếm sự giúp đỡ của một cố vấn hoặc nhà trị liệu cũng là một ý tưởng tuyệt vời để bạn được hướng dẫn cách đối phó với căng thẳng hiệu quả.

Khi bạn bị đau đớn, căng thẳng đi khám bệnh là điều cần thiết, nhưng không nên quên điều hòa cảm xúc của mình. Để trở nên mạnh khỏe, điều quan trọng nhất là phải tu tâm dưỡng tính. Có một sự luyện tập hợp lý, một chế độ ăn uống thích hợp, và duy trì tính khí, trong lòng an hòa chính là liều thuốc lý tưởng cho một cuộc sống mạnh khỏe.

Duy Anh

Xem thêm:

Exit mobile version