Đông trùng hạ thảo được ví như thuốc tiên, có thể chữa “bách hư bách tổn”. Vì thế những người có tiền đều muốn mua được đông trùng hạ thảo về bồi bổ cho thân thể. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay có tới 70% là nấm đông trùng hạ thảo giả, vậy làm sao có thể phân biệt?
Tên gọi “đông trùng hạ thảo” là xuất phát từ quan sát thực tế khi thấy vào mùa hè nấm Cordyceps sinensic mọc chồi từ đầu con sâu nhô lên khỏi mặt đất. Vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (côn trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn.
Đông trùng hạ thảo thực chất là kết quả của việc ấu trùng các loài bướm thuộc chi Thitarodes bị nấm thuộc chi Cordyceps ký sinh. Thường gặp nhất là sâu non của loài Thitarodes baimaensis hoặc Thitarodes armoricanus. Ngoài ra còn 46 loài khác thuộc chi Thitarodes cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh. Các loài nấm này phân bố rộng ở châu Á và châu Úc với trung tâm đa dạng là vùng Đông Á, đó là các cao nguyên cao hơn mặt biển từ 4.000 đến 5.000 m như: Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam…
Ngày nay, đông trùng hạ thảo được rao bán khá phổ biến trên thị trường Việt Nam, dưới dạng nguyên con hoặc viên, có loại được nuôi cấy sản xuất trong phòng thí nghiệm, giá khoảng 40-60 triệu đồng/kg. Nếu là đông trùng hạ thảo tự nhiên từ Tây Tạng, giá có thể dao động từ 1,5 -2 tỷ/kg nhưng cũng không dễ mà mua được.
Ứng dụng đông trùng hạ thảo trong chữa bệnh
Đông trùng hạ thảo đã được y học cổ truyền sử dụng từ lâu đời. Trong cuốn “bản thảo cương mục thập di”, từ thế kỷ 18, đã ghi Đông trùng hạ thảo là vị thuốc bổ, bổ tinh khí, bổ thận.
Trên lâm sàng, các nhà y học cổ truyền trên thế giới và trong nước, đã nghiên cứu dùng đông trùng hạ thảo để điều trị thành công khá nhiều chứng bệnh như rối loạn mỡ máu, viêm phế quản mãn và hen phế quản, viêm thận mãn tính và suy thận, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, viêm mũi dị ứng, viêm gan B mãn tính, ung thư phổi (có tác dụng hỗ trợ) và thiểu năng sinh dục. Viện nghiên cứu nội tiết Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đã dùng đông trùng hạ thảo điều trị cho các bệnh nhân bị liệt dương đạt kết quả khá tốt.
Phối hợp Đông trùng hạ thảo với các vị thuốc khác trị các bệnh
- Thận hư, hen suyễn khó thở, viêm phế quản, có thể phối hợp: Đông trùng hạ thảo 10g, tang bạch bì 8g, tiểu hồi 2g, cam thảo 4g, khoản đông hoa 6g… Dùng dưới dạng thuốc sắc, uống nhiều lần trong ngày. Cũng có thể mang dùng riêng vị thuốc, sao với rượu cho thơm, tán bột uống hàng ngày.
Các trường hợp ho nhiều và ho ra máu: có thể phối hợp với bối mẫu, sa sâm, mạch môn đông, hạnh nhân sắc uống.
- Dùng trong bệnh liệt dương, di tinh, phối hợp với dâm dương hoắc, nhục thung dung… làm hoàn, uống hàng ngày.
- Dùng trong các trường hợp đau lưng, đau xương cốt, phối hợp với đỗ trọng, tục đoạn…
- Dùng chữa thần kinh suy nhược. Có thể đem chế với thức ăn: trứng gà, thịt vịt, dùng làm thuốc bổ cho người có thể tạng hư yếu, mới ốm dậy.
Đặc điểm phân biệt đông trùng hạ thảo thật và giả
1. Nhận biết bằng quan sát
Có nhiều cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả dễ nhất và đơn giản nhất thì là quan sát trực tiếp. Đây là cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả dễ nhất và phổ biến nhất.
- Bộ phận đầu sâu non và đầu thảo của Đông trùng hạ thảo gắn với nhau một cách tự nhiên phát triển, chỗ nối với nhau rất khớp, hoàn toàn không thấy dấu vết nối, nếu là Đông trùng hạ thảo giả rất dễ dàng có thể nhìn thấy vết nối.
- Dạng sâu của Đông trùng hạ thảo thật có những vân, mỗi 3 vân làm thành một gấp, các nếp gấp xếp thành hàng, các vân nằm gần phía đầu rất sâu, Đông trùng hạ thảo giả một mặt lỗ rõ điểm khác biệt này, mặt khác các nếp gấp giao nhau bằng phẳng, thường dùng khuôn để tạo ra.
- Xem chân sâu non, Đông trùng hạ thảo thật có 8 chân đối xứng nhau, hàng giả số lượng chân không cố định, con thì có 8 chân, con có nhiều hơn hoặc ít hơn 8 chân.
- Xem mặt cắt dọc, hàng thật sau khi tách ra có thể thấy những đường vân rõ nét, ở phía giữa đông trùng hạ thảo có lõi màu đen giống hình chữ V, hàng giả không có.
2. Nhận biết bằng mùi
Khi mở hộp đựng Đông trùng hạ thảo, sẽ ngửi ngay thấy mùi giống mùi nấm rơm và mùi tanh của nấm hương rất đậm. Mỗi con Đông trùng hạ thảo đặt gần nhau cũng có thể ngửi thấy mùi này nhưng nhẹ hơn.
Đông trùng hạ thảo làm giả không có mùi này, nếu có cũng không phải là mùi nấm rơm và mùi tanh của nấm hương như trên, mà là mùi tanh của cá, mùi nước hoa giả hoặc mùi nguyên liệu hóa học.
Cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả này rất có hiệu quả với người có khứu giác tốt.
3. Nhận biết qua trọng lượng
Nhẹ nhàng cầm một nắm Đông trùng hạ thảo lên, lắc lắc tay cảm nhận trọng lượng, có cảm giác nhẹ như cỏ khô. Ngược lại Đông trùng hạ thảo giả khi để vào lòng bàn tay có cảm giác nặng.
Đây là cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả dựa trên cảm giác đôi bàn tay.
4. Nhận biết qua vị giác
Khi cho Đông trùng hạ vào miệng nhai vụn như nhai hạt đậu nành, tấm, càng nhai càng thơm, trong miệng có mùi thơm như mùi thịt gà. Nếu cho Đông trùng hạ thảo giả vào miệng nhai, có cảm giác cứng, sau khi nhai có nước bọt tiết ra ta sẽ thấy giống bột đất sét, đến khi không thể nhai nữa nó hoàn toàn không có mùi thơm của thịt mà có mùi đất rất nồng.
Cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả này hiệu quả cho người có vị giác tốt.
Tại Việt Nam, người dân một số vùng núi cũng thu hoạch các con sâu Brihaspa atrostigmella, sống trên cây chít, hay còn gọi là cây đót thysanoloena maxima O. Kuntze, họ lúa Poaceae để làm vị thuốc Đông trùng hạ thảo.
Ngay ở Trung Quốc, ngoài vị Đông trùng hạ thảo giới thiệu ở trên, ở một số vùng tỉnh Cát Lâm, Hà Bắc, Thiểm Tây, An Huy, Quảng Tây, Vân Nam, người ta cũng lấy các con nhộng, hoặc các con sâu non, ký sinh, gọi là nhộng cỏ: C. Militaris (L.), Link, sau đó qua các công đoạn “chế tác”, để làm ra sản phẩm với tên “Đông trùng hạ thảo”, còn gọi là “bắc trùng thảo” cũng dùng với tính chất của Đông trùng hạ thảo. Do vậy cần phải chú ý phân biệt khi dùng vị thuốc này. Vì vị thuốc Đông trùng hạ thảo chính danh, hiện nay trên thị trường được bán với giá rất đắt.
Cao Sơn
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.