Đại Kỷ Nguyên

Đổ mồ hôi máu: Không chỉ là so sánh ví von mà thực tế xuất hiện ngày càng nhiều

Khi nói đến kết quả mà phải hao tổn nhiều công sức và tâm huyết rất lớn người ta thường nói phải “đổ mồ hôi máu” mới đạt được. Trên thực tế, “đổ mồ hôi máu” đó không chỉ là hình ảnh ví von so sánh mà là có thật và đã được ghi nhận từ lâu.

Người phương Tây cũng có câu thành ngữ tương tự: “Làm cật lực tới đổ mồ hôi máu” (We sweated blood).

Mồ hôi y như máu

Mồ hôi máu (Hematidrosis) là một tình trạng hiếm gặp và không gây nguy hiểm. Đúng như tên gọi, những người gặp phải tình trạng này có mồ hôi đỏ như máu. Mồ hôi máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở mặt và trán.

Ra mồ hôi máu (Ảnh: derbund.ch)

Từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nhà triết học Hi Lạp Aristotle đã đề cập đến vấn đề “đổ mồ hôi máu” này trên người và cả một số loài động vật. Có loại ngựa quý có tên “hãn huyết bảo mã” cũng được nhắc đến trong văn hoá Trung Hoa.

Một số tài liệu tham khảo về lịch sử đã mô tả hiện tượng này, đáng chú ý là những tài liệu của Leonardo da Vinci đã mô tả về: một người lính trước khi ra trận hay một người đàn ông bất ngờ chịu một án tử hình đã đổ mồ hôi máu, cũng như theo chi tiết trong Kinh Thánh thì Chúa Giêsu đã đổ mồ hôi máu khi Ngài đang cầu nguyện trong vườn Getsemani. Cho mãi đến gần đây, triệu chứng này vẫn không được y giới quan tâm vì khá hiếm gặp. Có một số nhà khoa học còn cho rằng đó là chuyện bịa đặt vì nhiều khi nó gắn với yếu tố tôn giáo.

Mới đây, một phụ nữ 21 tuổi ở thành phố Florence (Ý) đã phải nhập viện vì một hiện tượng lạ thường của cơ thể: cô bị xuất mồ hôi đỏ như máu ngoài da ở vùng tay và mặt mà không hề bị bất kỳ chấn thương nào dù nhỏ nhất.

Khi lấy mẫu mồ hôi máu phân tích, các bác sĩ đã rất sửng sốt khi thấy đó đúng là máu thật. Cô cho biết việc xuất mồ hôi máu thỉnh thoảng lại xảy ra từ 3 năm nay vào bất cứ lúc nào, kéo dài từ 1 đến 5 phút.

Các bác sĩ nhận thấy cô đang trong tâm trạng rất căng thẳng, hết sức lo buồn và sợ hãi về tình trạng lạ thường của mình. Họ cho cô dùng thuốc an thần và hạ huyết áp, sau đó, việc xuất mồ hôi máu đã được cải thiện rõ rệt dù không hoàn toàn chấm dứt.

Tần suất xảy ra hiện tượng đổ mồ hôi máu dường như càng thường xuyên hơn. Chỉ trong thế kỷ 21 này, đã xảy ra nhiều trường hợp vào các năm 2009 trên một ông lão 72 tuổi, năm 2010 trên một bé trai 13 tuổi, 5 ca vào năm 2013, 4 ca vào năm 2014, 3 ca vào năm 2015, 4 ca năm 2016 và năm 2017 này là 2 ca tính đến thời điểm hiện nay.

Nguyên nhân gây đổ mồ hôi máu

Đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây hiện tượng kỳ lạ này (Ảnh: Getty Images)

Mồ hôi máu rất hiếm gặp, do đó hiện nay chưa có nhiều thông tin đề cập đến bệnh lý này. Các nhà khoa học nhận thấy rằng bệnh thường xảy ra khi một người rơi vào trạng thái sợ hãi, căng thẳng quá độ. Giới y khoa cho rằng nguyên nhân có thể là do các mao mạch máu hình thành những mạng lưới bao quanh các tuyến mồ hôi. Khi người ta bị căng thẳng tâm lý và cảm xúc, các mạch máu đó sẽ giãn nở ra, sự lo âu, sợ hãi và sự căng thẳng quá mức sẽ làm chúng càng phình nở đến mức bị vỡ ra.

Một số nguyên nhân khác có thể gây ra mồ hôi máu bao gồm: kinh nguyệt bất thường (máu thoát ra ngoài cơ thể từ một vị trí khác ngoài tử cung), xuất huyết do rối loạn tâm lý (chảy máu, bầm tím dưới da đã được loại trừ do chấn thương)…

Máu sẽ thấm vào các tuyến mồ hôi và theo mồ hôi xuất ra ngoài bề mặt da. Phân tích mẫu máu lẫn trong mồ hôi thu được từ bệnh nhân, người ta nhận thấy rằng các hồng huyết cầu có cấu trúc giống hệt loại đang lưu thông trong máu cơ thể. Sự thất thoát mồ hôi và máu sẽ làm người mắc chứng này cảm thấy mệt mỏi và bị mất nước từ nhẹ đến trung bình.

Cách điều trị đổ mồ hôi máu

Cho đến nay y học vẫn chưa có liệu pháp rõ ràng với chứng đổ mồ hôi máu ngoài việc cho bệnh nhân uống thuốc an thần và các phương pháp giải tỏa căng thẳng.

Trước khi điều trị, bác sỹ sẽ yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm chẩn đoán nhằm giúp họ kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầu và loại trừ các rối loạn chảy máu có thể xảy ra. Có thể cần xét nghiệm thêm chức năng gan, thận, phân, nước tiểu, nội soi đường tiêu hóa… để loại trừ các bệnh lý khác.

Thiền định giúp giải tỏa căng thẳng (Ảnh: ĐKN)

Nếu các xét nghiệm không tìm thấy bất kỳ sự khác thường nào, hơn nữa bạn lại thường xuyên bị căng thẳng quá mức, điều trị đổ mồ hôi máu sẽ được bắt đầu bằng việc giải quyết các căng thẳng, lo âu tiềm ẩn gây ra tình trạng này với liệu pháp tâm lý, cụ thể:

– Giải tỏa căng thẳng bằng cách nghe nhạc, đi dạo, xem phim hài, luyện các bài tập giúp thư giãn tâm lý như yoga, thiền, hít sâu thở chậm…

– Chuyện trò với bạn bè, người thân về những lo lắng, bất an đang gặp phải

– Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê…

– Ngủ đủ giấc, đúng giờ bởi giấc ngủ rất quan trọng cho việc hồi phục sức khỏe và tâm lý sau một ngày làm việc căng thẳng.

Nếu thay đổi lối sống không giúp cải thiện tình trạng đổ mồ hôi máu, bác sỹ có thể chỉ định một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, lo âu cho bạn.

Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version